IMF hạ cấp dự báo với hơn 140 nền kinh tế do xung đột Nga-Ukraine
Quỳnh Anh -
15/04/2022 15:26 (GMT+7)
(VNF) - Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tổ chức này sẽ điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu với 143 nền kinh tế trong năm nay, do cuộc xung đột Nga-Ukraine đẩy giá năng lượng và lương thực thế giới tăng cao.
Trong một bài phát biểu trước thềm cuộc họp mùa xuân năm 2022 của IMF và Ngân hàng Thế giới dự kiến diễn ra vào tuần tới, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết tác động của cuộc chiến sẽ góp phần vào dự báo tụt hạng của 143 nền kinh tế trong năm nay, chiếm 86% GDP toàn cầu.
Người đứng đầu IMF lưu ý rằng hậu quả kinh tế từ cuộc xung đột Nga-Ukraine lây lan "nhanh và xa", "ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới".
Cuộc chiến đã đẩy giá năng lượng và thực phẩm lên cao và làm trầm trọng thêm lạm phát, làm tổn thương hàng trăm triệu gia đình vốn đã phải vật lộn với thu nhập thấp hơn và giá cả cao hơn, đồng thời đe dọa làm gia tăng bất bình đẳng hơn nữa.
"Do đó, chúng tôi dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ tụt dốc hơn nữa cho cả năm 2022 và 2023", bà Georgieva nói, đồng thời lưu ý rằng tác động của chiến tranh sẽ góp phần dự báo tụt hạng cho 143 nền kinh tế trong năm nay.
Bà Georgieva cũng lưu ý rằng triển vọng kinh tế của mỗi quốc gia sẽ có sự thay đổi riêng tuỳ vào sức mạnh của nền kinh tế và mức độ bị ảnh hưởng từ cuộc chiến, từ thiệt hại kinh tế thảm khốc ở Ukraine, sự suy giảm nghiêm trọng ở Nga, đến các quốc gia phải đối mặt với tác động từ chiến tranh thông qua các kênh hàng hóa, thương mại và tài chính.
Theo bà Georgieva, trong vòng 7 tuần qua, thế giới đã trải qua một cuộc khủng hoảng lớn thứ 2 là một cuộc chiến tranh trên đỉnh đại dịch, “điều này có thể xoá bỏ phần lớn những tiến bộ chúng ta đã đạt được trong 2 năm qua”.
"Nói một cách đơn giản: chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng trên đỉnh một cuộc khủng hoảng", bà Georgieva phát biểu.
Ngoài cuộc khủng hoảng kép vốn đã phức tạp, thế giới cũng phải đối mặt với "sự phân mảnh của nền kinh tế thế giới thành các khối địa chính trị - với các tiêu chuẩn thương mại và công nghệ, hệ thống thanh toán và tiền tệ dự trữ khác nhau", giám đốc IMF cho biết.
Trong một bản cập nhật cho báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) được công bố vào tháng 1, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 xuống 4,4%, giảm 0,5 điểm phần trăm trong bối cảnh số ca nhiễm biến chủng Omicron tăng vọt và các nền kinh tế vật lộn với gián đoạn nguồn cung, lạm phát cao, nợ kỷ lục và sự bất ổn dai dẳng.
Bà Georgieva lưu ý: "Kể từ đó, triển vọng tăng trưởng đã xấu đi đáng kể", phần lớn là do chiến tranh và những hậu quả của nó".
Theo người đứng đầu IMF, các ưu tiên trước mắt là chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, đối đầu với đại dịch, giải quyết lạm phát và nợ nần. Bà cũng nhấn mạnh những nỗ lực chống biến đổi khí hậu, đồng thời thúc giục các nhà hoạch định chính sách đón nhận cuộc cách mạng kỹ thuật số.
Trước tình hình lạm phát gia tăng, các ngân hàng trung ương nên hành động một cách quyết đoán, bám sát nhịp đập của nền kinh tế và điều chỉnh chính sách một cách hợp lý, đại diện IMF cho biết.
Về việc các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển phải đối mặt với rủi ro gia tăng về "tác động lan tỏa tiềm ẩn" từ việc thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế tiên tiến, Giám đốc IMF cho rằng các quốc gia cần chuẩn bị sử dụng đầy đủ các công cụ sẵn có, từ việc kéo dài thời hạn nợ và sử dụng tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái cho đến các biện pháp can thiệp ngoại hối và quản lý dòng vốn.
Các con số và chi tiết cụ thể hơn sẽ được IMF công bố trong bản Triển vọng Kinh tế Thế giới mới, ra mắt vào ngày 19/4 tới đây.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone