IMF dự báo suy thoái sâu ở Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây

Quỳnh Anh - 14/03/2022 12:24 (GMT+7)

(VNF) - "Tác động của các lệnh trừng phạt là khá nghiêm trọng đối với nền kinh tế Nga", Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết.

VNF
Bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ngày 13/3, xuất hiện trong chương trình “Face the Nation” của CBS News, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã có những chia sẻ về những tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng Ukraine với Nga và các quốc gia khác trên thế giới.

Đại diện IMF cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ đẩy Nga vào một cuộc suy thoái sâu sắc: “Tác động của các lệnh trừng phạt là khá nặng nề đối với nền kinh tế Nga. Chúng tôi dự báo một cuộc suy thoái sâu ở Nga, và sự co lại đột ngột của nền kinh tế này đang ảnh hưởng đáng kể đến người dân Nga”.

Cũng theo bà Georgieva, IMF coi việc Nga vỡ nợ là điều hoàn toàn có thể xảy ra, bởi mặc dù có tiền, nhưng Nga đang không tiếp cận được số ngoại tệ dự trữ của mình.

Nhận định của giám đốc IMF trùng khớp với thông báo của Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov mới đây về việc khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga, gần một nửa dự trữ của nước này, hiện đã bị đóng băng do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi về việc liệu Nga vỡ nợ có trở thành một cuộc khủng hoảng tài chính cho thế giới hay không, bà Geogieva phủ định khả năng này. Bà cho biết việc Nga vỡ nợ chắc chắn không ảnh hưởng tới hệ thống tài chính thế giới, và mặc dù IMF sẽ hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2022 thì con số dự báo vẫn là một tốc độ tăng trưởng tích cực.

Cũng trong cuộc phỏng vấn với CBS News, bà Georgieva còn bày tỏ lo ngại về tác động của cuộc khủng hoảng ở Ukraine đối với phần còn lại của thế giới, về tình hình trong lĩnh vực năng lượng và lạm phát.

"Điều tôi lo ngại hơn là có những hậu quả vượt ra ngoài Ukraine và Nga", giám đốc IMF cho biết.

Theo bà Georgieva, IMF đặc biệt lo ngại về những tác động có thể xảy ra của cuộc khủng hoảng đối với các nước Trung Á, Caucasus và Moldova, những quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ với Nga và Ukraine hơn so với phần còn lại của thế giới.

"Tác động đáng kể nhất là ngoài các nước láng giềng gần kề. Có 2 nhóm quốc gia mà chúng tôi rất lo lắng. Nhóm thứ nhất là các quốc gia vẫn chưa phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra. Đối với họ, cú sốc này đặc biệt đau đớn. Và nhóm thứ hai là nhóm các quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu năng lượng từ Nga, bởi vì ở đó tác động đến tiêu dùng, cũng như lạm phát sẽ nổi bật hơn", bà Georgieva nói.

Xem thêm >> 300 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối bị đóng băng, Nga thanh toán nợ bằng đồng ruble

Theo Tass, CBS
Cùng chuyên mục
Tin khác