IPO Tập đoàn Cao su: Giá khởi điểm 13.000 đồng/cổ phần, Nhà nước giữ 75% vốn

Minh Tâm - 26/12/2017 17:43 (GMT+7)

(VNF) – Nếu bán thành công 25% vốn tại Tập đoàn Cao su tại mức giá khởi điểm, Nhà nước sẽ thu về gần 13.000 tỷ đồng.

VNF
Chính phủ chính thức chốt phương án cổ phần hóa Tập đoàn Cao su

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa phê duyệt Phương án cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam với hình thức cổ phần hóa kết hợp bán phần vốn nhà nước hiện có và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Vốn điều lệ của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam - Công ty cổ phần là 40.000 tỷ đồng. Cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu, tổng số cổ phần là 4 tỷ cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng, trong đó, 3 tỷ cổ phần nhà nước, chiếm 75% vốn điều lệ; 475.123.761 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 11,88% vốn điều lệ; 475.123.761 cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 11,88% vốn điều lệ; 48.921.710 cổ phần bán ưu đãi cho người lao động, chiếm 1,22% vốn điều lệ; 830.769 cổ phần bán cho tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp, chiếm 0,02% vốn điều lệ.

Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu khi thực hiện cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam là 13.000 đồng/cổ phần. Cơ quan đại diện chủ sở hữu toàn bộ phần vốn nhà nước tại Tập đoàn là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tiêu chí, quyết định và chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong nước sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, không bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài; bảo đảm nhà đầu tư cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Trong đó bảo đảm điều kiện không chuyển nhượng cổ phần trong thời gian 5 năm và quy định rõ quyền ưu tiên của nhà nước được mua cổ phần nếu nhà đầu tư chiến lược bán cổ phần sau 5 năm cổ phần hóa.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần thực hiện xử lý đất đai, thuê đất của Nhà nước, trả tiền thuê đất hàng năm, thực hiện việc quản lý, sử dụng đất theo đúng quy định của Luật đất đai và pháp luật có liên quan; giải quyết các tồn tại về nhà, đất (nếu có) trước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 43.614 người; tổng số lao động chuyển sang Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần là 42.751 người; tổng số lao động dôi dư là 863 người.

"Số vốn lớn như vậy có người mua hết hay không?"

Nói về tình hình cổ phần hóa Tập đoàn Cao su tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10/2017, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn cho biết, Tập đoàn Công nghiệp Cao su được Thủ tướng Chính phủ quyết định tiến hành cổ phần hoá nhưng Nhà nước vẫn nắm cổ phần chính và tiến độ phải hoàn thành trong năm 2017.

Theo Thứ trưởng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su là tập đoàn rất lớn. Thứ nhất là vốn rất lớn, thứ hai là quản lý một diện tích đất đai rất lớn – hàng trăm nghìn ha. Thứ hai, Nhà nước đang xem xét, cân nhắc bảo đảm việc cổ phẩn hoá nhưng tránh những hệ luỵ phức tạp khác từ đất đai. Thứ ba, đây là tập đoàn có số lượng lao động rất lớn, hơn 130.000 lao động.

Thứ trưởng Tuấn cho hay, theo tinh thần chung, ý kiến của các bộ, ngành được tập hợp để báo cáo Thủ tướng thì tập đoàn này sẽ tiến hành các bước còn lại để cổ phần hoá sớm nhất. Trong đó, việc cổ phần có được hoàn thành trong năm 2017 hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là số vốn lớn như vậy có người mua hết hay không. Do vậy, bán lần thứ nhất không hết thì pháp luật quy định phải bán hai lần tiếp theo.

"Mong muốn của Bộ, của các cơ quan Chính phủ là muốn bán một lần, nhưng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng sẽ thực hiện được từ nay đến quý I/2018", lãnh đạo Bộ Nông nghiệp nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác