IPO Tổng công ty Sông Đà: Chỉ bán được 0,36% lượng cổ phần chào bán

Anh Hùng - 26/12/2017 12:02 (GMT+7)

(VNF) - Trong lần đầu chào bán cổ phần ra công chúng (IPO) hơn 219,6 triệu cổ phần, Tổng công ty Sông Đà chỉ bán được 790.900 cổ phần.

VNF
Tổng công ty Sông Đà chỉ bán được 790.900 cổ phần trong lần chào bán đầu tiên trên HNX.

Cụ thể, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả mua cổ phần của Tổng công ty Sông Đà - Công ty mẹ. Theo đó, số lượng cổ phần giao dịch thành công là 790.900 cổ phần với giá trúng thầu trung bình 11,159 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 8,8 tỷ đồng.

Như vậy, số lượng cổ phần đấu giá thành công chỉ bằng 0,36% số lượng cổ phần mà Tổng công ty Sông Đà đã đăng ký chào bán.

Trước đó, Tổng công ty Sông Đà đã đưa ra đấu giá 219,6 cổ phần (tương đương 48.82% vốn điều lệ), với giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phần nhưng chỉ có 801,500 cổ phần được đăng ký mua bởi 229 nhà đầu tư cá nhân, tương đương chỉ 0.36% lượng chào bán.

Với con số vô cùng khiêm tốn trên, so với thương vụ "ế" trước đó thuộc về Becamex IDC thì Tổng Công ty Sông Đà còn "ế" hơn gấp nhiều lần.

Theo quyết định của Thủ tướng, Tổng công ty Sông Đà - Công ty Cổ phần (Sông Đà) có vốn điều lệ sau cổ phần hóa sẽ là 4.500 tỷ đồng.

Được biết, theo phương án cổ phần hóa, sau khi hoàn tất đợt IPO thì Nhà nước dự kiến nắm giữ 229.5 triệu cổ phần, tương đương 51% vốn điều lệ; 822,000 cổ phần (tương đương 0.18% vốn điều lệ) được bán cho cán bộ công nhân viên và 219.68 triệu cổ phần, tương đương 48.82% vốn điều lệ sẽ được bán đấu giá công khai cho nhà đầu tư.

Lộ trình nắm giữ cổ phần của Nhà nước sẽ chiếm 51% vốn Tổng công ty đến hết năm 2019; năm 2020 bán tiếp phần vốn còn nắm giữ tại doanh nghiệp này xuống dưới 50% vốn điều lệ.

Theo kết quả kinh doanh năm 2016, tổng doanh thu của Sông Đà đạt 10.388 tỷ đồng, chỉ bằng 59% so với năm 2015 do trong năm doanh thu sản xuất công nghiệp và doanh thu hoạt động xây dựng sụt giảm.

Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của công ty mẹ Sông Đà giảm 1.260 tỷ xuống còn 15.032 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả lên tới 12.360 tỷ đồng. Đáng chú ý, cơ cấu nợ của công ty mẹ Tổng công ty sông Đà chủ yếu là nợ ngắn hạn với 6.715 tỷ đồng, gồm chi phí phải trả người bán ngắn hạn, người mua trả tiền trước, trong khi vay và nợ thuê ngắn hạn là 2.449 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác