Ít nhất 3 - 4 năm mới có được một nguồn điện mới

Kỳ Thư - 15/06/2023 08:10 (GMT+7)

(VNF) - Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Năng lượng - Môi trường cho biết, tình trạng thiếu điện ở miền Bắc đã được cảnh báo, nhưng để có nguồn điện mới vào vận hành phải mất ít nhất 3-4 năm.

VNF
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Năng lượng và Môi trường. Ảnh: Ban Kinh tế Trung ương

Phát biểu tại sự kiện về công nghiệp năng lượng tại Hà Nội ngày 14/6, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Năng lượng - Môi trường nói, tình trạng điện ở miền Bắc đã được cảnh báo nhưng để đưa vào được một nguồn điện mới cần ít nhất 3-4 năm. Thậm chí lâu hơn. Bởi vậy, việc chuẩn bị để đảm bảo an ninh năng lượng phải làm từ sớm.

Bên cạnh đó, tiềm năng của điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả, Việt Nam cần phát triển lưới điện đồng bộ, hệ thống lưu trữ và có chính sách để loại nguồn điện này đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Nói về thách thức các nguồn điện mới, TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, quy hoạch Điện VIII đang gặp không ít thách thức. Đó là nhu cầu năng lượng đang phát triển rất nhanh trong khi đó ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam đang gặp một các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu. Nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch.

“Trữ lượng và sản lượng sản xuất ngày than, dầu thô và khí suy giảm hằng năm. Yêu cầu nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn là một vấn đề trong tình hình phát triển của ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam vì nó làm giảm khả năng tự chủ về năng lượng, tăng sự phụ thuộc vào các nền kinh tế khác”, ông Hiển nói.

Cũng theo ông Hiển, quy hoạch Điện VIII đặt ra yêu cầu Việt Nam cần tập trung phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, lưu trữ điện năng, công nghệ thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng các-bon... trong nước để chủ động khai thác tiềm năng sẵn có của nước ta, tăng tính độc lập tự chủ, giảm giá thành sản xuất điện từ năng lượng tái tạo.

Bên cạnh phát triển nguồn điện mới, tiết kiệm năng lượng được xem là khoản đầu tư có chi phí thấp nhất trong khi dư địa còn rất lớn. Đây cũng là xu hướng được các nước châu Âu sử dụng và khuyến nghị.

“Dư địa tiết kiệm năng lượng còn rất lớn. Chúng ta có thể tiết kiệm tổng tiêu thụ năng lượng lên đến 8,4% trong giai đoạn đến năm 2030 và từ 19 đến 22% đến năm 2050”, ông Tuấn nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác