Ma kỳ vọng tâm lý chống toàn cầu hóa đang bóp nghẹt nhiều nước trên thế giới sẽ dịu bớt sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 tới. Đặc biệt khi Trung Quốc hiện là mục tiêu chỉ trích rất nặng nề.
"Cứ mỗi lần có bầu cử, mọi người lại bắt đầu chỉ trích Trung Quốc. Họ nói cái nọ, rồi lại nói cái kia. Nhưng làm sao anh có thể chặn thương mại toàn cầu được? Làm sao anh xây tường ngăn việc đó chứ?", Ma cho biết trên CNN.
Lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) sẽ họp tại Hàng Châu (Trung Quốc) trong hôm nay và ngày mai. Đây là thành phố Ma đã lập ra Alibaba năm 1999. Và toàn cầu hóa có thể là chủ đề bàn thảo lớn trong hội nghị lần này.
Ma cho rằng toàn cầu hóa hiện vẫn chưa đủ sâu và thương mại quốc tế cần cải thiện để nhiều người được hưởng lợi hơn. Ma hy vọng khiến các lãnh đạo G20 hứng thú với ý tưởng về một nền tảng thương mại toàn cầu điện tử (e-WTP).
Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ mở rộng khách hàng ra toàn cầu, giống như các công ty đa quốc gia lớn vậy. Nó cũng sẽ giảm thuế nhập khẩu, giảm quy trình kiểm tra và nhiều thủ tục mất thời gian khác.
"Chúng ta cần giải pháp cho giới trẻ để tận dụng công nghệ đang có. Để họ có thể mua mọi nơi, bán mọi nơi. Nếu anh muốn tham gia, cứ vào thôi", ông cho biết.
Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tiên được tổ chức năm 2008. Sự kiện này nổi tiếng không có nhiều chính sách thực sự có ý nghĩa. Tuy nhiên, Ma cho rằng đây vẫn là "cơ hội tuyệt vời" để các chính trị gia lắng nghe các lãnh đạo doanh nghiệp.
"Chính phủ nào cũng nói họ thích doanh nghiệp nhỏ. Nhưng họ đã làm gì cho doanh nghiệp nào? Chúng ta nên rút hết mọi rào cản đi", ông nói.
Theo VnExpress