Johnathan Hạnh Nguyễn: 'Chúng tôi tự hào vì luôn hoàn thành nghĩa vụ thuế'

PV (tổng hợp) - 12/05/2016 08:19 (GMT+7)

(VNF) - Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói "ở thời điểm hiện tại tôi không còn liên quan gì đến công ty có tên trong hồ sơ Panama".

Như VietnamFinance đã đưa tin, mới đây theo kết quả tìm kiếm trên trang chủ của Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) xuất hiện tên ông Johnathan Hanh Nguyen, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương trong hồ sơ Panama.

Tuy nhiên, khi trao đổi với Infonet về vấn đề này, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói mình không có tên trong danh sách 189 người Việt có tên trong danh sách "Hồ sơ Panama" mà "chỉ có tên trong danh sách của công ty đa quốc gia bởi vì tôi là Doanh nhân Việt kiều Philippine". 

"Ngày 6/3/2008, Công ty Imex Asia Pacific International Limited (IAP) được thành lập và tôi có mua cổ phần để trở thành cổ đông của công ty này. Tuy nhiên, công ty này chỉ tồn tại được 6 tháng, đến ngày 9/9/2008 tôi cũng đã trả lại cổ phần của công ty này và hiện nay công ty này đã đóng cửa. Đối với công ty Imex Pan Pacific Group Inc, tôi có tham gia một số cổ phần, nhưng thời gian tham gia cũng chỉ khoảng 3 năm, đến ngày 4/9/2007 tôi không còn là cổ đông của công ty này nữa", ông nói. 

Vẫn theo ông Hạnh Nguyễn, việc ông mua cổ phần của các công ty này là một hoạt động bình thường, vì bản thân ông là một doanh nhân Việt kiều Philippine và là một nhà đầu tư quốc tế, vấn đề này ở các nước trên thế giới là hoàn toàn hợp lệ, không có gì gọi là phạm pháp cả.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng cho rằng "Việc các cá nhân hay tập thể có tên trong "Hồ sơ Panama" không có nghĩa là họ đã vi phạm pháp luật, mà phải tùy vào từng trường hợp cụ thể".

Riêng về nghĩa vụ thuế của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương tại Việt Nam, hàng năm toàn bộ các công ty thuộc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương tại Việt Nam nộp thuế cho nhà nước hơn 1.270 tỷ đồng và đã được các cơ quan thuế của Việt Nam thanh tra và xác nhận công ty đến nay đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế. 

"Chúng tôi luôn tự hào rằng mình đã luôn hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước khi làm ăn kinh doanh tại Việt Nam", ông Hạnh Nguyễn cho biết.

Kho dữ liệu "Hồ sơ Panama" cho thấy Việt Nam có khoảng 189 cá nhân, 19 công ty offshore và 23 công ty trung gian, 185 địa chỉ. Trong danh sách này, có nhiều tên tuổi doanh nhân xuất hiện trong như CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Chứng khoán Sài Gòn (SSI), bà Đàm Bích Thủy - cựu CEO của Ngân hàng ANZ Việt Nam,...

Tuy nhiên, việc xuất hiện tên trong "Hồ sơ Panama" hay việc có công ty offshore không hoàn toàn là hành vi phạm tội. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc có công ty offshore có thể tạo điều kiện dễ dàng cho việc trốn thuế hay rửa tiền hay các hành vi sai trái khác.

ICIJ cũng khuyến cáo người sử dụng rằng có nhiều người và tổ chức có tên tương tự hoặc trùng nhau. Do đó, ICIJ đề nghị người sử dụng xác minh danh tính của bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nằm trong cơ sở dữ liệu, nếu phát hiện sai sót có thể liên hệ với ICIJ.

Cùng chuyên mục
Tin khác