JVC dành phần lớn 750 tỷ đồng vốn huy động để trả nợ

PV - 01/10/2016 07:51 (GMT+7)

Tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên của Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt - Nhật (mã chứng khoán JVC), một ý tưởng chưa từng có tiền lệ đã được đề xuất để giải quyết lỗ.

Trong tài liệu trình cổ đông, JVC đã báo cáo sử dụng hết vốn từ đợt phát hành tháng 10/2014 với trị giá 750 tỷ đồng. 

Theo phương án ban đầu, số tiền 750 tỷ sẽ được đầu tư vào xe khám, công ty liên kết, trung tâm kỹ thuật cao, tổng thầu vật tư tiêu hao. Tuy nhiên, 750 tỷ đồng huy động trên đã được JVC dùng để đầu tư số ít vào xe khám, trung tâm kỹ thuật cao, phần còn lại đem trả nợ vay ngân hàng. 

Báo cáo cho biết JVC đã sử dụng 362,5 tỷ đồng để trả nợ gốc ngắn hạn và dài hạn (281 tỷ đồng), trả nợ gốc vay bên thứ ba (80,7 tỷ đồng). Khoản trả nợ cho bên thứ ba là khoản bị Vietinbank - Quế Võ tự động trích tài khoản để thanh toán cho hợp đồng bảo lãnh của công ty đối với khoản vay bên thứ ba.

JVC còn tiêu 178 tỷ đồng của cổ đông để chi trả các khoản thuế phí, trả cho nhà cung cấp, và đóng thuế và nợ vay cho công ty con Kyoto Medical Science. Đây là khoản chi mà khi huy động vốn JVC không đề cập đến, và việc tiêu không đúng mục đích này, ban lãnh đạo công ty cũng không báo cáo lại với cổ đông.

Giám đốc JVC Ngô Thanh Sơn cho biết, năm 2015, hoạt động kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng nặng nề, do việc nguyên Chủ tịch Lê Văn Hướng bị bắt giữ và khởi tố về tội lừa dối khách hàng.

Bởi vậy, JVC dự kiến chỉ đặt chỉ tiêu doanh thu năm 2016 là 432 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2015, lợi nhuận 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, quý I vừa qua (niên độ 1/4 - 30/6/2016), JVC tiếp tục lỗ hơn 5 tỷ đồng và lỗ lũy kế của công ty hiện lên tới 995 tỷ đồng.

Trước những bức xúc của cổ đông, Chủ tịch JVC đương nhiệm, ông Đỗ Thanh Tùng cho biết đang nghiên cứu việc sáp nhập, chia tách công ty để giải quyết lỗ, nhưng đây là điều chưa từng có tiền lệ trên thị trường, nên cần thời gian làm việc với cơ quan chức năng. 

Việc bầu cử ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới cũng được nhiều cổ đông JVC trông đợi, sau khi đã mất niềm tin với ban lãnh đạo cũ. 

Trong danh sách đề cử, có ông Phạm Quang Huy được đề xuất làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị JVC. Ông Huy hiện là Chủ tịch Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam (Vinamet), Chủ tịch Công ty Dịch vụ vận tải Dầu khí Cửu Long, thành viên Hội đồng Quản trị Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ và Tổng hợp Dầu khí...

Được ông Lê Văn Hướng thành lập từ năm 2001, JVC gặp nhiều khó khăn sau khi ông Hướng bị bắt giam hồi tháng 6/2015. Cổ phiếu liên tiếp giảm sàn, thuộc diện cảnh báo của Ủy ban Chứng khoán, doanh thu giảm, bị cưỡng chế thu hồi nợ, tin đồn nhà đầu tư Nhật rút vốn...

Theo Theo VnE
Tags:
Cùng chuyên mục
Tin khác