'Kẻ đến sau' tỏa sáng, đỡ DN qua giai đoạn khó khăn
(VNF) - Trong khi nhiều doanh nghiệp phải tái cơ cấu và thực hiện thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành, một bộ phận doanh nghiệp lại tìm kiếm được những mảng kinh doanh mới đầy tiềm năng.
Việc doanh nghiệp tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới không phải điều hiếm gặp trên thương trường khi nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh, mở rộng ngành nghề là vô cùng lớn. Dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng thành công trong việc tìm kiếm. Đã có không ít doanh nghiệp sau giai đoạn mở rộng phải thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả để tập trung vào mảng cốt lõi. Ngược lại, có không ít doanh nghiệp đang kiếm bộn tiền nhờ những mảng kinh doanh đến sau.
'Kẻ đến sau' toả sáng
Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (HoSE: REE) thành danh với các sản phẩm cơ điện lạnh mang thương hiệu Reetech được ra mắt từ năm 1996. Đến năm 2010, REE bắt đầu mở rộng đầu tư vào mảng năng lượng vào và ghi nhận doanh thu, lợi nhuận như một mảng kinh doanh chính trên báo cáo tài chính từ năm 2014. Các giá trị lợi nhuận ban đầu từ mảng này là vài trăm tỷ đồng mỗi năm, ngang ngửa mảng cốt lõi cơ điện lạnh. Từ năm 2018, lợi nhuận mà mảng điện – nước đem về cho REE đã vượt mức 1.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần mảng cốt lõi cơ điện lạnh. Kể từ đó đến nay, mỗi năm REE đều đút túi cả nghìn tỷ đồng lợi nhuận từ các hoạt động về năng lượng.
Trong khi đó, mảng cơ điện lạnh chỉ duy trì mức lợi nhuận vài trăm tỷ đồng mỗi năm, thậm chí lao dốc không phanh vào năm 2023 khi lần đầu tiên ghi nhận thua lỗ 7,7 tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo REE, năm 2023 có nhiều khó khăn về kinh tế, dẫn đến các chủ đầu tư dự án thiếu vốn hoạt động, làm công nợ kéo dài và REE phải thực hiện trích lập dự phòng. Các hợp đồng đầu vào của mảng cơ điện lạnh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi nhiều dự án bất động sản bị đình trệ.
Sang quý I/2024, cùng với sự ấm lên của thị trường bất động sản, mảng cơ điện lạnh của REE đã không còn thua lỗ, đạt 25,3 tỷ đồng lãi sau thuế. Tuy nhiên, so với các mảng kinh doanh còn lại, lợi nhuận mảng cơ điện lạnh lại vô cùng khiêm tốn, chiếm tỷ trọng nhỏ nhất. Trên thực tế, ban lãnh đạo REE cũng cho biết cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của REE cũng đã có nhiều thay đổi trong giai đoạn 6 năm vừa qua. Trong đó, tỷ trọng mảng cơ điện lạnh đóng góp đang giảm dần, trong khi mảng năng lượng vươn lên thành nguồn thu lớn nhất của REE.
Câu chuyện tương tự diễn ra tại Tổng công ty Viglacera (HNX: VGC). Doanh nghiệp này tiền thân là một công ty về gạch ngói và sành sứ, sau mở rộng sang các vật liệu xây dựng khác như thuỷ tinh, kính. Mảng vật liệu xây dựng từng là nguồn thu chính và lớn nhất của VGC, cho đến những năm gần đây khi mảng bất động sản dần trở thành lĩnh vực có vai trò dẫn dắt, đóng góp chính vào mức tăng trưởng lợi nhuận. Được biết, VGC đã rót vốn vào bất động sản từ những năm 2000 và trở thành một trong những doanh nghiệp nắm giữ quỹ đất khu công nghiệp lớn nhì miền Bắc.
Ngược lại, mảng “khai sinh” của VGC là vật liệu xây dựng lại có dấu hiệu suy yếu, thậm chí một số nhóm vật liệu ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ. Điển hình như nhóm kính và gương trong năm 2023 lỗ hơn 84 tỷ đồng và tiếp tục lỗ 6,8 tỷ đồng trong quý I/2024. Trong khi đó, lợi nhuận từ mảng bất động sản và xây dựng lại cao gấp hơn 2 lần mảng vật liệu xây dựng. Ban lãnh đạo VGC nhiều năm liền đều nhận định bất động sản khu công nghiệp sẽ là “xương sống” cho sự phát triển của doanh nghiệp. Dù vậy, VGC không từ bỏ các mảng đang chậm lại như kính và tiếp tục đầu tư mở rộng vì tin tưởng vào tiềm năng trong tương lai.
Tiềm năng lớn từ mảng kinh danh mới
Nói đến việc thu lời đậm từ các mảng kinh doanh đến sau, không thể không kể đến các doanh nghiệp cao su với câu chuyện chuyển đổi đất cao su thành đất khu công nghiệp. Từ sự chuyển mình của VGC, có thể thấy mảng bất động sản khu công nghiệp đã đem về cho doanh nghiệp này nguồn lợi nhuận cả nghìn tỷ đồng mỗi năm. Với ngành cao su, các doanh nghiệp đang sở hữu quỹ đất trong quy hoạch chuyển đổi sẽ được hưởng lợi từ việc bồi thường đất, hoặc phát triển mảng kinh doanh bất động khu công nghiệp.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) và các công ty con như Công ty Cao su Phước Hoà (HoSE: PHR), Công ty Cao su Đồng Phú (HoSE: DPR) là những doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc chuyển đổi đất cao su thành đất khu công nghiệp, cũng như thu được quả ngọt từ chính việc phát triển bất động sản khu công nghiệp.
Được biết, từ năm 2021, GVR đã đưa ra kế hoạch phát triển các khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030. Doanh nghiệp này xác định phát triển khu công nghiệp sẽ là một trong những hoạt động trọng tâm. Đến năm 2025, GVR dự kiến chuyển đổi 7.000 – 8.000ha đất cao su thành khu công nghiệp và cụm công nghiệp, đến năm 2030 sẽ chuyển đổi 40.000ha. GVR hiện là doanh nghiệp nắm giữ diện tích đất khu công nghiệp lớn thứ 2 cả nước, chỉ sau VSIP (liên doanh giữ Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex IDC và liên minh các nhà đầu tư Singapore).
Các công ty con của GVR là PHR và DPR đều tích cực tham gia mảng bất động sản khu công nghiệp. Đối với PHR, doanh nghiệp này từng ghi nhận hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận bất thường từ tiền đền bù đất trong năm 2022. Hai khu công nghiệp mà PDR tham gia góp vốn là Nam Tân Uyên 3 và VSIP 3 đều có vị trí thuận lợi, kỳ vọng nhanh chóng lấp đầy do nguồn cung đất công nghiệp tại Bình Dương không còn nhiều. Ban lãnh đạo PHR cho biết 2 khu công nghiệp trên có thể đem lại nguồn thu cho doanh nghiệp ngay trong năm 2024. Trong dài hạn, PHR còn trống đất tại khu công nghiệp Tân Bình; các dự án khu công nghiệp mới như Tân Lập 1 và Tân Bình mở rộng đang xin phê duyệt của Chính phủ, đồng thời doanh nghiệp cũng lên kế hoạch thành lập mới 3 khu công nghiệp khác.
Với DPR, doanh nghiệp đang sở hữu 2 dự án mở rộng khu công nghiệp Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú, được kỳ vọng đóng góp lớn vào tăng trưởng doanh thu cho DPR trong dài hạn khi được đưa vào triển khai. Cả 2 khu công nghiệp này đều có vị trí thuận lợi khi nằm gần Bình Dương và đặc biệt là cao tốc TP. HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Giới phân tích cho rằng khi dự án cao tốc hoàn thành sẽ thúc đẩy giá cho thuê tại các khu công nghiệp này cao hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp dự kiến ghi nhận thu nhập từ đền bù đất với diện tích được đền bù khoảng 300ha cho giai đoạn 2024-2025.
Giới phân tích cho rằng với lợi thế về việc sở hữu quỹ đất trồng cao su lớn, các doanh nghiệp cao su tại Việt Nam sẽ dễ dàng chuyển đổi và phát triển mảng kinh doanh khu công nghiệp. Dù vậy, mảng kinh doanh cốt lõi là cao su vẫn là nguồn thu lớn của các doanh nghiệp này ở thời điểm hiện tại. Sau năm 2023 đầy khó khăn khi giá bán liên tục giảm, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng âm, ngành cao su đã khởi sắc khi giá bán và sản lượng tiêu thụ dần được cải thiện. Sự phục hồi của mảng cao su dự kiến là động lực tăng trưởng của lợi nhuận năm 2024 của các doanh nghiệp trong ngành.
‘Doanh nghiệp lớn không có tiền, doanh nghiệp nhỏ không có việc'
- Nợ vượt vốn, Sách và thiết bị trường học Nghệ An cầm cố ô tô, rèm cửa vay tiền 24/07/2024 03:30
- Nhà máy bị sụt lún, Nước sạch Hà Nội đang kinh doanh ra sao? 24/07/2024 02:30
- Tập đoàn Công nghiệp Việt Á 2 tháng trúng liên tiếp 10 gói thầu ngành điện 24/07/2024 10:30
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.