Khí đốt chỉ đủ dùng trong 3 tháng, châu Âu nghĩ mọi cách để tiết kiệm
Hạnh Chi -
22/09/2022 14:32 (GMT+7)
(VNF) - Bắt đầu tư hôm nay (22/9), tháp Eiffel sẽ tắt điện sớm để tiết kiệm nhiên liệu trong bối cảnh Pháp cũng như các nước châu Âu đang dần cạn kiệt khí đốt.
Ước tính khí đốt chỉ đủ dùng trong 3 tháng
Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí châu Âu, tổng dung lượng 113 tỷ mét khối (bcm) của khối dự trữ đã đầy 80%.
Tuy nhiên, tổng công suất lưu trữ khí đốt chỉ có thể đáp ứng hơn 25% tổng lượng khí đốt tiêu thụ của khối, khoảng 400 bcm mỗi năm.
Tuyến đường ống dẫn khí đốt chính Nord Stream 1 của Moscow, chiếm 1/3 tổng lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu thông qua Đức, đang ở mức 20% công suất kể từ ngày 27/7 và chỉ cung cấp 33 triệu mét khối (mcm) mỗi ngày.
Ngay cả khi các bể chứa khí đốt có thể được lấp đầy, thì con số này cũng đủ cho các nước châu Âu sử dụng nhiều nhất là 3 tháng, và thậm chí ít hơn ở các nền kinh tế lớn, chẳng hạn như Đức, nơi sử dụng khí đốt công nghiệp và tiêu thụ hộ gia đình cao hơn các nước khác.
Giáo sư Trường đại học Quốc gia Australia John Blaxland nhận định đây là cách để Nga thử thách sự bền bỉ của châu Âu: "Hiệu ứng từ việc cắt giảm khí đốt sẽ ảnh hưởng nặng nhất tới người dân châu Âu".
Những cách tiết kiệm năng lượng ở châu Âu
Chính phủ nhiều nước châu Âu đã tính đến lịch trình cắt điện thường xuyên nhằm tiết kiệm nhiên liệu cho mùa đông tới.
Theo đó, bắt đầu từ hôm nay, hệ thống chiếu sáng của tháp Eiffel sẽ được tắt vào lúc 23h45 mỗi ngày, thay vì đến 1h sáng như mọi khi.
Ông Jean Francois Martins, người đứng đầu công ty quản lý tòa tháp, cho biết đây là một hành động mang tính biểu tượng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng ở châu Âu.
Ở Ba Lan, một rạp chiếu phim ngoài trời lắp đặt 6 chiếc xe đạp được kết nối với một máy phát điện và đề nghị khán giả đạp xe để tạo ra ít nhất 50% lượng điện duy trì hoạt động của rạp.
Tại Hannover, Đức, chính quyền địa phương đã ngừng cung cấp nước nóng để rửa tay trong các tòa nhà công cộng. Nước nóng cũng đã bị ngừng sử dụng để tắm trong hồ bơi, phòng thể thao hoặc câu lạc bộ thể dục.
Chính phủ nước này cũng chọn phương án hạ nhiệt độ sưởi trong các văn phòng và toà nhà công cộng, đẩy mạnh sử dụng cả than đá và khí đốt tự nhiên hoá lỏng.
Tại thủ đô Amsterdam, Hà Lan, nhiều bể bơi đã giảm nhiệt độ nước xuống 1 độ để tiết kiệm chi phí khi giá năng lượng tăng cao.
Đại diện khu nghỉ dưỡng cao cấp De Mirandabad ở Amsterdam cho biết: "Để đảm bảo tương lai rằng chúng tôi sẽ không phải đối mặt với chi phí tăng cao, việc giảm nhiệt độ là cần thiết".
Ở vùng Lombardy, Ý, chính quyền địa phương đã ban bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa 50 đài phun nước ở Milan, người dân cũng được yêu cầu duy trì nhiệt độ điều hoà ở mức 26 độ C.
Ngoài ra, nhà máy bia nổi tiếng của Bỉ Brewery Huyghe, lần đầu tiên sau gần một thế kỷ, đối mặt với nguy cơ đóng cửa chuỗi dây chuyền sản xuất.
Ông Delirium Tremens, đại diện hãng bia cho biết: "Chúng tôi có thể sẽ phải ngừng sản xuất cho đến khi tìm ra giải pháp khác. Đây có lẽ sẽ là lần đầu tiên chúng tôi ngừng hoạt động kể từ năm 1906".
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.