Iran hiện thực hóa thỏa thuận khí đốt 40 tỷ USD với Nga
Thanh Tú -
21/09/2022 13:36 (GMT+7)
(VNF) - Bộ Dầu mỏ Iran ngày 19/9 thông báo Tehran sẽ mua khoảng 9 triệu m3 khí đốt mỗi ngày từ Nga thông qua Azerbaijan.
Cụ thể, theo hãng thông tấn Fars của Iran, kế hoạch này đã được tiết lộ trong một báo cáo chi tiết về biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác năng lượng trị giá 40 tỷ USD được ký hồi tháng 7 giữa Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC) và tập đoàn sản xuất khí đốt Gazprom của Nga.
Bộ dầu mỏ Iran cũng thông báo sẽ nhận 6 triệu m3 khí đốt mỗi ngày từ Nga theo một thỏa thuận hoán đổi. Sau đó, khí đốt sẽ được xuất khẩu sang các nước khác từ miền nam Iran dưới dạng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Dữ liệu mới cho thấy Iran sẽ sử dụng nguồn cung cấp 15 triệu m3 khí đốt mỗi ngày từ Nga để củng cố mạng lưới cung cấp nội địa tại các khu vực đông dân cư vùng tây bắc, trong khi có thể xuất khẩu lượng khí đốt tự nhiên gia tăng sang Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq thông qua các đường ống ở miền tây của đất nước.
Biên bản ghi nhớ 40 tỷ USD được xem là bước đệm cho phép Nga và Iran thực hiện kế hoạch lâu dài để trở thành những bên tham gia cốt lõi trong một liên minh toàn cầu dành cho các nhà cung cấp khí đốt.
Trước đó, Nga và Iran đang cùng thỏa thuận các điều khoản nhằm hình thành một liên minh khí đốt tự nhiên vận hành giống Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mà họ là những thành viên cốt lõi, theo Oilprice.
Oilprice cho rằng nền tảng để hình thành liên minh là Diễn đàn các nước xuất khẩu vùng Vịnh (GECF) hiện tại. Theo đó, tổ chức “OPEC khí đốt” này sẽ giúp các bên điều phối tỷ lệ trữ lượng khí đốt của thế giới và kiểm soát giá khí đốt trong những năm tới.
“Lần lượt chiếm vị trí số một và số hai về trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Trong đó, Nga với 48.000 tỷ m3 và Iran với gần 34.000 tỷ m3, hai quốc gia đang có điều kiện lý tưởng để làm điều này”, Oilprice nhận định.
Cũng theo OilPrice, Qatar, quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ ba với 24.000 tỷ m3, có thể là một ứng cử viên hàng đầu để gia nhập liên minh “OPEC khí đốt”.
Tổng cộng, Nga, Iran và Qatar chiếm 60% trữ lượng khí đốt của thế giới. Ba quốc gia này là các nước chủ chốt thành lập GECF gồm 19 thành viên, kiểm soát hơn 71% trữ lượng khí đốt toàn cầu, 44% sản lượng đưa ra thị trường, 53% đường ống dẫn khí đốt và 57% LNG xuất khẩu, Oilprice cho hay.
Theo ông Hamid Hosseini, Chủ tịch Liên minh các nhà xuất khẩu dầu, khí đốt và hóa dầu Iran, người chiến thắng trong xung đột giữa Nga và Ukraine là Mỹ và nước này sẽ chiếm thị trường châu Âu.
“Vì vậy nếu Iran và Nga có thể giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ trên thị trường dầu khí và các sản phẩm từ dầu bằng cách hợp tác với nhau, điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia”, ông Hosseini nhận định.
Theo biên bản ghi nhớ giữa Gazprom và NIOC, Gazprom đã cam kết hỗ trợ NIOC phát triển các mỏ khí ở Kish và North Pars và 6 mỏ dầu. Gazprom cũng tham gia các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và xây dựng các đường ống dẫn khí xuất khẩu cho Iran.
Ngoài ra, Nga cũng sẽ xem xét tất cả các cơ hội để khuyến khích các nước sản xuất khí đốt lớn khác ở Trung Đông tham gia liên minh khí đốt mới.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone