Khó khăn 'chồng chất' khó khăn, đâu là giải pháp cho ngành logistics Việt Nam?

Lê Ngà - 17/04/2018 14:16 (GMT+7)

(VNF) - Để thay đổi căn bản cục diện ngành logistics Việt Nam, ông Mai Lê Lợi - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Vinalines logistics chỉ ra nhiều điểm bất cập tồn động đang gặp phải hiện nay, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để phát triển.

VNF
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics tại Việt Nam vẫn thua xa so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Những khó khăn, bất cập của ngành logistics hiện nay

Tại buổi tọa đàm "Gỡ nút thắt hạ tầng, thúc đẩy giao thông phát triển đường thủy", ông Mai Lê Lợi - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinalines logistics, thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã chỉ ra một số điểm bất cập đối với ngành logistics hiện đang phải đối mặt.

Đầu tiên phải kể tới là hệ thống cảng biển hiện nay nhiều về số lượng nhưng quy mô nhỏ, thiếu đồng bộ về tuyến bến, trang thiết bị, luồng lạch cần được duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Các bến cảng do nhiều nhà đầu tư vận hành khai thác dẫn đến tình trạng khó quản lý, cạnh tranh gay gắt, dẫn đến giá bốc xếp đang ở mức khá rẻ so với các nước khác trong khu vực.

Ông Mai Lê Lợi - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Vinalines logistics, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Bên cạnh đó, khả năng kết nối với các phương thức vận tải khác cũng là một yếu điểm của hệ thống cảng biển. Ông Lợi chỉ ra rằng: "Tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, các cảng biển được kết nối chủ yếu bằng đường bộ. Tại phía Nam, ngoài hệ thống đường bộ, hoạt động vận tải thủy nội địa phát triển mạnh tuy nhiên vẫn chưa khai thác hết những lợi thế giá rẻ của loại hình vận tải này".

Ngoài các hạn chế về luồng lạch, nhiều tuyến đường thủy còn bị hạn chế bởi chiều cao tĩnh không của các cây cầu dẫn đến khó có thể đưa vào khai thác các loại sà lan có sức chuyên chở lớn. Cuối cùng là mạng lưới các cảng đường thủy nội địa chưa thu hút được nguồn vốn để đầu tư phát triển.

Bàn về những bất cập của ngành logistics đang gặp phải, ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ ra rằng: "Cội nguồn ở đây chính là quy hoạch và đầu tư".

"Khó khăn nhất là hạ tầng, thứ hai là chính sách và cuối cùng là doanh nghiệp. Cần phân định rõ cái gì nhà nước làm, cái gì doanh nghiệp làm", ông Minh cho biết.

Còn theo ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc, quá trình phát triển logistics còn tồn tại mặt hạn chế như: Hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém; Chưa có các cảng chuyên dùng thực hiện vận tải contener; Còn nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn, chưa có tính định hướng, đột phá chưa cao; Công tác cải cách thủ tục hành chính chưa được như mong muốn; Vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp, hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm chưa cao.

Đề xuất giải pháp cho ngành logistics

Cũng tại buổi tọa đàm, các đại diện tham dự cũng đưa ra khá nhiều đề xuất và phương án giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành logistics.

Ông Mai Lê Lợi nêu ra mốt số giải pháp cần ưu tiên phát triển các cảng nước sâu có quy mô đủ lớn tại các vùng trọng điểm kinh tế. Cần chú trọng các cảng Lạch Huyện, Đà Nẵng, Cái Mép, Hiệp Phước, nghiên cứu một vị trí thích hợp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể phát triển cảng nước sâu nhằm tạo ra cửa ngõ cho hàng hóa của khu vực này.

Để cải thiện năng lực kết nối, đại diện Vinalines cũng đề xuất quy hoạch, khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống ICD, kho bãi, cảng thủy nội địa và mạng lưới giao thông đường thủy nội địa, đường bộ, đường sắt nhằm kết nối đến các cảng nước sâu, phát huy tối đa tính hệ thống, tính tổng thể của mạng lưới logistics nội địa. 

Theo đó, cần ưu tiên kết nối giữa các bến cảng hiện có tại Cái Mép, Hiệp Phước với Bình Dương, Đồng Nai và đồng bằng sông Cửu Long; giữa Lạch Huyện với khu vực Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Việt Trì.

Tiếp theo cần tăng cường quản lý, điều tiết của các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương thông qua cơ chế giá cả (phí, lệ phí, biểu giá…) để hạn chế những bất cập của thị trường.

Còn ông Phạm Tất Thắng kiến nghị Bộ GTVT cần đề xuất cơ chế tạo kho tín dụng lãi suất ưu đãi để kích thích sử dụng phương tiện.

"Ngành giao thông cần sớm có chủ trương giải pháp, rà soát điều chỉnh bổ sung các van quy phạm pháp luật, huy động nguồn lực để nâng cấp hạ tầng, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Các Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý cần quan tâm hơn để phát triển giao thông đường thủy nội địa, tăng chiều dài các tuyến sông kênh", ông Thắng chia sẻ.

Xem thêm:  70% chi phí logistics rơi vào túi doanh nghiệp nước ngoài

Cùng chuyên mục
Tin khác