Khó thẩm định, vốn tín dụng 'né' doanh nghiệp vừa và nhỏ

Khánh Tú - 24/07/2024 16:28 (GMT+7)

(VNF) - Theo đại diện của FiinGroup, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. Dù chiếm gần 85% số doanh nghiệp cả nước nhưng tổng nợ vay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn - nhóm chỉ chiếm chưa tới 20% số doanh nghiệp cả nước.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn tín dụng

Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 6/2024, tăng trưởng tín dụng đạt mức 6%. Trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên đều ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn so với mặt bằng chung. Trong đó, tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ tăng 9,8%, lĩnh vực công nghệ cao tăng 18,16%,… Đối với bất động sản, tăng trưởng tín dụng tăng 4,61%, trong đó lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng 10,29%, bất động sản tiêu dùng tăng 1,15%.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng đã đạt mục tiêu đề ra song vẫn rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phát biểu tại hội thảo “Đổi mới Dịch vụ và Sản phẩm Tài chính Ngân hàng dành cho các Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” diễn ra sáng 24/7, ông Nguyễn Hữu Hiệu, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần FiinGroup Việt Nam cho biết: “Để phát triển và mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nâng cao tính cạnh tranh nhằm hội nhập mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hơn 90% tổng số doanh nghiệp cả nước là các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn có nhu cầu tiếp cận tài chính chính thức. Tuy nhiên, các sản phẩm hiện tại của các ngân hàng phần nào chưa đáp ứng được các nhu cầu tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam”.

Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Phân tích, Công ty cổ phần FiinGroup Việt Nam cho biết: “Mặc dù chiếm gần 85% số doanh nghiệp cả nước, nhưng khả năng vay vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn rất thấp. Tổng nợ vay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn - nhóm chỉ chiếm chưa tới 20% số doanh nghiệp cả nước nhưng tổng nợ vay chiếm tới hơn 90% tổng nợ vay của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam”.

Theo Giám đốc Phân tích của FiinGroup, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được vốn tín dụng đều có mức rủi ro cao. “Theo phân loại về tình trạng tiếp cận vốn vay, các doanh nghiệp không được tổ chức tín dụng tài trợ có mức độ rủi ro cao hơn đáng kể so với các doanh nghiệp được tài trợ. Tỷ lệ gặp khó khăn về tài chính chênh lệch từ 8% – 10% qua các năm giữa 2 nhóm doanh nghiệp này”, ông nói.

Bên cạnh đó, đặc trưng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ như thiếu tài sản đảm bảo, thiếu tính minh bạch trong hệ thống kế toán tài chính,... là rào cản trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

“Với phương pháp chấm điểm tín dụng truyền thống, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh các tổ chức tín dụng ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế”, đại diện FiinGroup nhận định.

Tuy nhiên, ở phía người cho vay, các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn trong việc cấp vốn tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng tín dụng chính sách nhà nước thuộc NHNN, phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết: “Đối với các giải pháp mà nhà nước và chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, quốc tế có giải pháp gì thì Việt Nam cũng có những giải pháp đó, chẳng hạn như xây dựng quỹ tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã,…

Song, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại phần lớn đến từ hoạt động tín dụng. Chính vì thế, việc các ngân hàng e ngại và từ chối cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có rủi ro cao cho vay là điều có thể hiểu được”.

"Tại Việt Nam, hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất đa dạng, có những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động tốt nhưng có những bên lại hoạt động chưa tốt. Có những trường hợp nhân viên ngân hàng tìm mãi cũng không thấy trụ sở của doanh nghiệp ở đâu thì làm sao ngân hàng dám mạnh dạn cho vay", ông Quý nói.

Để doanh nghiệp vừa và nhỏ đi vay dễ như đi gửi tiền

Là một trong những ngân hàng tích cực cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại diện Techcombank cho rằng các tổ chức tín dụng có thể áp dụng công nghệ và dữ liệu để đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Vũ Ngọc Bồng Lai, Giám đốc Phát triển Giải pháp, Nền tảng dịch vụ số và QLTC doanh nghiệp của Techcombank thừa nhận: “Những khó khăn trong cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn luôn là vấn đề nhức nhối, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả các thị trường phát triển khác"

Song, xuất phát từ đặc tính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ như không có báo cáo tài chính hay có tính bản địa cao, Techcombank đã lựa chọn đầu tư vào công nghệ, khoa học dữ liệu và con người. “Thông qua công nghệ và dữ liệu, Techcombank xây dựng năng lực am hiểu khách hàng đến từng phân khúc, tiểu phân khúc. Từ việc thấu hiểu khách hàng, Techcombank mang đến những sản phẩm tín dụng có tính chất ‘may đo’, chuẩn mực cho từng chân dung khách hàng. Techcombank cũng đặt mục tiêu làm sao để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn tín dụng cũng dễ dàng như cách họ đi gửi tiền”, ông Lai cho biết.

Đồng thời, đại diện của Techcombank cũng khẳng định nếu chỉ tạo ra các sản phẩm tài chính “one size fits all” (một sản phẩm dành cho tất cả mọi đối tượng) thì các tổ chức tín dụng sẽ không bao giờ hỗ trợ được các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Techcombank sử dụng công nghệ và dữ liệu để thiết kế gói tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ở góc nhìn khác, bà Bà Phạm Thị Thanh Huyền, Cán bộ Quản lý Chương trình Phát triển Cơ sở Hạ tầng Tài chính tại Việt Nam và Cam-pu-chia, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), World Bank, Group (WBG) cho rằng Việt Nam cần phát triển thêm nhiều các NDTLs dành cho các doanh nghiệp. NDTLs có thể có nhiều tên khác nhau như Công ty tài chính tổng hợp, Công ty tài chính doanh nghiệp, Công ty cho thuê tài chính, Công ty bao thanh toán, Công ty tài trợ ngành ô tô, Tài chính vi mô, Tài chính tiêu dùng, Các tổ chức cho vay Fintech,…

“Hiện tại Việt Nam mới chỉ có 10 công ty cho thuê tài chính trong khi ở các thị trường phát triển khác như Mỹ, Trung Quốc,… số lượng NDTLs thường lớn hơn gấp 10 lần so với số lượng các ngân hàng. Trong khi đó, NDTLs lại rất quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì các ngân hàng thường chỉ muốn hướng tới các khách hàng là doanh nghiệp trong hạng đầu. Sự phát triển của thị trường NDTLs sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động tài trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Huyền cho hay.

Bên cạnh đó, đại diện IFC cũng khuyến nghị cần nâng cao chất lượng dữ liệu cho thẩm định khách hàng. Theo bà Huyền, cần phát triển một không gian lớn hơn cho “dữ liệu thay thế ngoài báo cáo tín dụng” – một thị trường dành cho các nhà cung cấp dữ liệu và phân tích dữ liệu bên thứ 3. Ở các thị trường tốt, bên cho vay hiện sử dụng 10-20 nhà cung cấp dữ liệu và phân tích dữ liệu bên thứ 3 ngoài hệ thống báo cáo tín dụng”.

Điều này sẽ giúp các tổ chức cho vay doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể phát triển hơn nữa và mở rộng các sản phẩm dịch vụ cho nhiều khách hàng hơn, trong đó bao gồm cả các khách hàng không thể tiếp cận hoặc khó tiếp cận dịch vụ tài chính, bà Huyền nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.