Khóc cười theo tỷ giá: USD tăng mạnh ai được hưởng lợi?

Minh Dũng - 06/10/2023 09:27 (GMT+7)

(VNF) - Tỷ giá USD/VND bật tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và vay USD bị ảnh hưởng, Trong khi đó, những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu lại được hưởng lợi.

VNF

Sức ép lên tỷ giá USD/VND vẫn hiện hữu

Gần đây, tỷ giá USD/VND bật tăng mạnh. Tỷ giá bắt đầu leo cao sau thời gian dài ổn định, đặc biệt từ sau khi mốc 24.000 đồng/USD chính thức bị vượt qua hồi giữa tháng 8. Tỷ giá USD ngân hàng liên tục xác lập mức cao mới trong năm, có thời điểm vượt mốc 24.600 đồng/USD. Hiện tỷ giá USD/VND ngân hàng đã hạ nhiệt nhưng vẫn xấp xỉ mốc này.

Tỷ giá trung tâm gần đây tăng mạnh và liên tục lập những đỉnh mới. Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do cũng tăng cao, hiện dao động quanh mốc 24.500-24.550 đồng/USD (mua vào - bán ra).

Tỷ giá USD/VND bật tăng khi giá USD quốc tế tăng vọt trước những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc, khiến các nhà đầu tư đổ xô vào đồng tiền trú ẩn an toàn. Chỉ số US Dollar Index (DXY) - chỉ số đo lường biến động của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác đã vượt 107 điểm, cao nhất từ tháng 11/2022.

Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng, sự trái ngược trong chính sách tiền tệ giữa Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và NHNN là nguyên nhân chính tạo áp lực lên tỷ giá.

Ngoài ra, theo giới chuyên gia, tỷ giá bật tăng ngoài sức ép từ đồng USD thế giới tăng giá còn có nguyên nhân sâu xa từ nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng tăng để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.

Theo VNDirect, các yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND trong giai đoạn cuối năm 2023 còn hiện hữu. Các yếu tố đó là: chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tiếp tục thu hẹp do lãi suất điều hành của Fed có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi NHNN định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng và lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý III/2023.

Nhận định về tác động của việc tỷ giá tăng, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, tỷ giá USD/VND tăng đã kéo theo áp lực trả nợ nước ngoài (nhất là khu vực tư nhân), đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát do giá nhập khẩu của nguyên liệu đầu vào và hàng hóa tiêu dùng tăng lên. Áp lực tỷ giá càng lớn, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ trong nước càng thu hẹp.

Ông Hinh cho rằng, thời gian tới, NHNN vẫn hỗ trợ để ổn định tỷ giá trong năm nay do thặng dư thương mại ở mức cao, dòng vốn FDI và kiều hối ổn định, nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ thoái vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc ổn định được tỷ giá trong biên độ phù hợp sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Tỷ giá tăng cao: 'Kẻ khóc, người cười'



Tỷ giá tăng nhanh đang khiến nhiều doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Hơn nữa, trong giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán, vấn đề tỷ giá càng trở nên căng thẳng do nhu cầu tiêu dùng tăng, doanh nghiệp cần vốn để xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Tỷ giá tăng cao làm gia tăng áp lực tài chính đối với doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ lớn, chưa kịp thu hẹp quy mô vay nợ trong năm qua. Bởi tỷ giá cao khiến doanh nghiệp vay USD đối diện với gánh nặng trả nợ, phải bù thêm chênh lệch tỷ giá trong thanh toán cho đối tác nước ngoài. Điều này kéo theo sự thay đổi làm sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp vay USD.

Nhìn lại cùng kỳ năm trước, khi tỷ giá USD tăng tới 2,54% và cùng với việc mặt bằng lãi suất bắt đầu đi lên, đã kéo chi phí tài chính dâng cao bất thường tại loạt doanh nghiệp sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính, nhất là các tổ chức có dư nợ vay ngoại tệ lớn.

Ở nhóm có chi phí tài chính trên trăm tỷ đồng, hàng loạt doanh nghiệp phi tài chính ghi nhận mức chi phí cao gấp đôi, thậm chí gấp 4 lần cùng kỳ. Trong đó, điện, bất động sản là các ngành sử dụng vốn vay lớn; công ty chứng khoán tăng vay nợ để đảm bảo thanh khoản và nguồn vốn kinh doanh.

Tỷ giá USD/VND tăng thì những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu sẽ hưởng lợi từ chêch lệch tỷ giá. Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bao gồm: hàng dệt may, thủy sản, giày dép, điện tử, nông sản, cao su và gỗ sẽ được lợi dưới tác động 2 chiều của tỷ giá.

Đơn cử, với ngành dệt may, nguyên liệu phần lớn nhập khẩu từ nước ngoài sau đó gia công xuất khẩu nên biến động tỷ giá sẽ ít làm thay đổi kết quả kinh doanh của các nhóm ngành này. Còn ngành thủy sản, cao su, thực phẩm được xem là hưởng lợi nhiều nhất khi các doanh nghiệp này phần lớn doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu, đồng thời nợ vay bằng USD không lớn.

Với ngành công nghệ, do hưởng lợi từ hoạt động gia công và xuất khẩu phần mềm nên tác động tỷ giá có lợi hơn có hại. Nhưng do có nhiều doanh nghiệp vay USD để nhập khẩu linh kiện nên tỷ giá USD/VND cũng tác động đến lãi suất vay.

Những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn cũng có thể hưởng lợi chênh lệch tỷ giá khi USD/VND tăng.

Trong khi đó, với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu bằng USD, đồng USD tăng giá sẽ đẩy chi phí đầu vào lên cao hơn; đồng thời, giá cả của các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam tăng làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp nhập khẩu.

Sản xuất trong nước hiện phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, tỷ lệ nhập khẩu/GDP gần 100%. Như vậy, khi tỷ giá tăng, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ khó khăn.

Như vậy, tùy vào doanh nghiệp cụ thể sẽ phát sinh doanh thu từ USD hoặc hưởng lợi từ chêch lệch tỷ giá đồng ngoại tệ khác. Từ thực tế đó, các doanh nghiệp sẽ tìm cách đối ứng nhằm cân bằng khoản lỗ chêch lệch tỷ giá.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong điều kiện thị trường hàng hóa thế giới và thị trường ngoại hối có nhiều biến động như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cần chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.