Tỷ giá tiếp tục tăng mạnh, NHNN có thể phải bán USD để can thiệp

Mai Anh - 28/09/2023 10:15 (GMT+7)

(VNF) - Giới phân tích nhận định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể phải bán ngoại tệ can thiệp nếu USD tiếp tục tăng mạnh. NHNN đã mua hơn 6 tỷ USD từ đầu năm.

VNF

Giá USD trên thị trường quốc tế đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 tháng lại đây. Đồng bạc xanh trong nước tăng nhẹ. Giá USD ngân hàng đã lên mức 24.600 đồng/USD.

Các chuyên gia nhìn nhận, tỷ giá “nổi sóng” trong thời gian gần đây không chỉ do USD tăng giá trở lại trên thị trường quốc tế mà việc NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, ngược lại với chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ cũng gây áp lực cho tỷ giá VND/USD.

Công ty Chứng khoán BSC trong báo cáo phân tích mới đây cho biết, đi ngược lại với xu hướng chung của chính sách tiền tệ thế giới nói chung hay Mỹ nói riêng, chính sách tiền tệ Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực đến từ tỷ giá.

Theo BSC, NHNN đã mua hơn 6 tỷ USD từ đầu năm, hoàn toàn có khả năng can thiệp tỷ giá bằng việc bán USD. Gần đây, bắt đầu từ ngày 21/09/2023, hoạt động trên thị trường mở đã trở lại. NHNN đã phát hành tín phiếu, tái khởi động lại chu kỳ điều hành tỷ giá.

Ngoài áp lực tỷ giá, BSC lưu ý Việt Nam cũng đang phải đối mặt với áp lực lạm phát tăng trở lại từ tháng 7. Lạm phát cơ bản của Việt Nam tháng 8 ở mức 4,02%, vẫn đang trên đà giảm kể từ tháng 2/2023, cho thấy lạm phát tăng chủ yếu đến từ giá xăng dầu và giá lương thực. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, thì xu hướng tăng giá có thể lan sang các mặt hàng khác. Tính trung bình 8 tháng/2023, lạm phát đang ở mức 3,1%, vẫn còn dư địa so với mức trần 4,5% của năm nay.

Trong khi đó, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay, tiền đồng mất giá mạnh trong tháng 9 tương quan với việc đồng USD tăng giá trở lại. So với đầu năm, tiền đồng đã mất giá khoảng 2,6 - 3,7% so với USD.

Trong bối cảnh đó, VDSC dự báo rằng tỷ giá sẽ kiểm định lại vùng 24.500 VND/USD và có thể giảm trở lại vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cũng cảnh báo khả năng NHNN phải can thiệp bằng cách bán ngoại tệ trong trường hợp USD mạnh lên về mức 110 điểm như cuối năm ngoái.

Theo VDSC, với chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng hiện đang ở mức 4 - 5 điểm % đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ vọng mới nhất về chính sách tiền tệ của Fed sẽ tiếp tục khiến cho hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade) tăng lên.

Vì vậy, quyết định phát hành tín phiếu của NHNN ngay sau khi cuộc họp Fed cũng là một động thái để giảm bớt ảnh hưởng của hoạt động carry trade đối với tỷ giá.

"Trong thời gian tới, NHNN có thể tiếp tục hoạt động phát hành tín phiếu. Tuy nhiên, động thái này không đồng nghĩa với việc đảo chiều trong chính sách tiền tệ bởi hoạt động điều tiết cung tiền mang tính thời điểm và linh hoạt. Đồng thời, hiệu quả của can thiệp lên áp lực tỷ giá cũng còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là diễn biến của chỉ số DXY", các chuyên gia VDSC nhận định.

Cuối quý III và quý IV năm 2022, chỉ số DXY cũng từng vượt qua ngưỡng 110. Vào tháng 11/2022, tỷ giá tăng mạnh đã buộc NHNN phải can thiệp để bảo vệ tiền đồng bằng cách bán ra hàng chục tỷ USD.

Theo quan điểm của VDSC, mặt bằng lãi suất thấp là điểm khác biệt đáng kể so với đợt hút ròng của NHNN trong tháng 2-3/2023. Song lãi suất thấp cũng có thể là rào cản khiến cho tỷ lệ trúng thầu thấp.

Trong 5 phiên giao dịch gần đây (21-27/9), NHNN đã hút gần 70.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu. Các đợt tín phiếu này đều có kỳ hạn 28 ngày và được chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất.

Đáng chú ý, sau 3 phiên thăm dò với khối lượng 10.000 tỷ đồng, ở phiên thứ 4 và thứ 5, nhà điều hành đã tăng khối lượng phát hành lên gấp đôi và lãi suất trúng thầu cũng có chiều hướng tăng.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Tổng Giám đốc FIDT Research, cho rằng, NHNN có thể hút từ 70.000 - 140.000 tỷ đồng tùy theo từng kịch bản, với tốc độ trung bình 10.000 tỷ đồng/ngày hoặc cao hơn.

Giới phân tích nhận định mục đích của NHNN là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn và lượng hút cũng không quá nhiều (nếu so sánh với giai đoạn nửa cuối năm 2022) nhằm không gây ra căng thẳng thanh khoản trên thị trường 2 và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất trên thị trường 1.

Cùng chuyên mục
Tin khác