Vì sao tỷ giá ngân hàng cao hơn thị trường tự do?

Linh Anh - 27/09/2023 06:41 (GMT+7)

(VNF) - Có một hiện tượng đáng chú ý trên thị trường ngoại tệ là tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do gần đây thấp hơn đáng kể so với tỷ giá tại các ngân hàng. Diễn biến bất thường này nhiều khả năng là do hoạt động đầu cơ chênh lệch tỷ giá từ các nhà băng.

VNF

Trước đây, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do thường cao hơn tỷ giá USD ở các ngân hàng thương mại.

Nhưng từ tháng 8 lại đây, khi tỷ giá tăng nóng, một diễn biến lạ trên thị trường ngoại tệ là tỷ giá VND/USD qua kênh ngân hàng thường cao hơn thị trường tự do. Đáng chú ý, từ tháng 9 đến nay, chênh lệch giá bán USD giữa thị trường chính thức và tự do khá lớn, có phiên tới 150-250 đồng.

Đơn cử, vào trưa 26/9, khi giá mua - bán USD tại các ngân hàng thương mại dao động quanh vùng  24.187-24.610 đồng/USD thì giá USD tự do được giao dịch phổ biến quanh mức 24.350-24.450 đồng/USD (mua vào - bán ra).

Như vậy, giá bán USD tại thị trường tự do vẫn thấp hơn giá bán USD tại các ngân hàng thương mại tới 160 đồng/USD.

Hay tại phiên giao dịch ngày 18/9, giá USD tại các ngân hàng thương mại dao động quanh vùng  24.131-24.530 đồng/USD (mua vào - bán ra) thì giá USD tự do được mua - bán quanh mức  24.220-24.280 đồng/USD. Có nghĩa, giá bán USD tại các ngân hàng thương mại trong phiên này cao hơn giá bán USD tại thị trường tự do tới 250 đồng/USD.

Việc các ngân hàng đẩy giá bán USD lên cao hơn cả thị trường tự do, theo một số chuyên gia là do hoạt động đầu cơ chênh lệch tỷ giá từ các nhà băng.

Nhận định về diễn biến khá bất thường trên, SSI Research cho rằng, việc chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường ngân hàng và chợ đen và mức độ biến động phản ánh chênh lệch cung - cầu đang nghiêng nhiều trên thị trường liên ngân hàng nhiều khả năng là do hoạt động đầu cơ chênh lệch tỷ giá từ các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, theo công ty chứng khoán này, biến động của VND nghiêng nhiều về yếu tố mùa vụ và việc duy trì chính sách tiền tệ không cùng pha với nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới trước áp lực kiểm soát lạm phát. Đây là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá trong quý III.

Song vị thế của NHNN tương đối khác so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái nhờ lượng dự trữ ngoại hối đã được bổ sung trong giai đoạn 6 tháng đầu năm. Thêm vào đó, nguồn cung ngoại tệ tích cực như FDI giải ngân 8 tháng đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ; cán cân thương mại cũng ước tính đạt thặng dư kỷ lục ở mức 19,9 tỷ USD.

Theo SSI Research, động thái phát hành tín phiếu của NHNN có thể được xem như là cách thức nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống và là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương.

Động thái trên không đồng nghĩa với việc NHNN đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh tăng trưởng GDP vẫn đang kỳ vọng chưa có sự bứt phá và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát (thấp hơn lạm phát mục tiêu của Chính phủ), SSI Research không đánh giá cao khả năng NHNN sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ mà nghiêng nhiều về việc thận trọng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát.

Theo các chuyên gia phân tích của Yuanta Việt Nam, tăng lãi suất, bán USD hoặc hút tiền đồng về là ba giải pháp mà nhà điều hành có thể cân nhắc sử dụng để hạ nhiệt tỷ giá. Tuy nhiên, việc hút bớt tiền đồng sẽ được nhà điều hành ưu tiên lựa chọn trong bối cảnh hiện tại.

Xung quanh vấn đề lãi suất - tỷ giá, trong các phát ngôn về chính sách gần đây, các lãnh đạo của NHNN cũng liên tục đề cập đến sự cân bằng giữa hai chỉ số này.

Tại cuộc họp với các doanh nghiệp diễn ra vào ngày 21/9, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định NHNN đang theo dõi rất sát tỷ giá, hàng ngày, hàng giờ để có thể điều hành phù hợp.

Cùng chuyên mục
Tin khác