Khối tài sản 'khủng' của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng, ông Huỳnh Uy Dũng

Mai Chi - 27/05/2021 12:09 (GMT+7)

"Kim cương và sổ đỏ tính bằng cân", tuyên bố hiến đất ủng hộ 1.000 tỷ đồng chống dịch, nộp 1.234 tỷ đồng tiền sử dụng đất năm 2020… là một vài con số về cơ nghiệp của vợ chồng bà Phương Hằng.

VNF
Bà Nguyễn Phương Hằng trong livestream ngày 25/5 (Ảnh chụp màn hình).

CEO Nguyễn Phương Hằng đang là cái tên được nhắc nhiều nhất trên truyền thông và mạng xã hội những ngày gần đây, đặc biệt sau buổi livestream "khủng" thu hút tới hơn 400.000 lượt xem trực tiếp trên trang facebook cá nhân.

Bên cạnh những nội dung phức tạp và kịch tính quanh vụ tố cáo ông Võ Hoàng Yên cũng như một số nghệ sĩ trong giới giải trí, bà Hằng còn khiến người xem sửng sốt khi khoe tài sản cực "khủng".

Trong livestream, bà Hằng cho biết, tài sản của vợ chồng bà "kim cương và sổ đỏ tính bằng cân" hay đi những chiếc xe 40-50 tỷ đồng là chuyện thường.

Bà còn lên tiếng mỉa mai một ca sĩ "không có nổi 1.000 tỷ đồng" sau khi nữ ca sĩ này thắc mắc việc vợ chồng bà đề nghị ủng hộ 1.000 tỷ đồng thông qua đấu giá 4 ha đất để phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Bà Hằng giải thích, đặc thù làm doanh nghiệp là sẽ không giữ sẵn tiền mặt 1.000 tỷ đồng mà tiền sẽ nằm trong tài sản đất đai, nhà xưởng…

Nữ doanh nhân sinh năm 1971 có tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, vợ ông Huỳnh Uy Dũng (hay còn được gọi là ông Dũng "lò vôi"). Trước khi làm vợ ông Dũng năm 2010, bà Hằng là người kinh doanh bất động sản có tiếng và theo chia sẻ của bà là "chưa từng thất bại".

Hiện tại, cơ nghiệp của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng gắn với Công ty Cổ phần Đại Nam, doanh nghiệp do ông Dũng nắm phần lớn vốn. Đầu tháng 5/2020, ông Dũng "lò vôi" từng cho biết chính thức rời khỏi thương trường và bà Hằng giữ chức Tổng giám đốc điều hành (CEO) của Đại Nam. Tuy nhiên, theo thông tin đăng ký trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp thì đến tháng 2, ông Dũng vẫn là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật của Đại Nam.

Công ty Cổ phần Đại Nam tiền thân là Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Thanh Lễ được thành lập tại Quyết định số 003853/GP/TLDN-03 do UBND tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) cấp ngày 21/3/1996.

Tháng 1/1999, Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Thanh Lễ được đổi tên là Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Sóng Thần. Đến tháng 4/2007, Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Sóng Thần tiếp tục đổi tên thành Công ty cổ phần Đại Nam.

Theo hồ sơ đăng ký, công ty này có địa chỉ chính tại số 1765A Đại lộ Bình Dương, khu phố 1, phường Hiệp An, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Công ty Cổ phần Đại Nam hoạt động kinh doanh đa ngành nghề. Trong đó, chức năng chính là xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư, khu du lịch…

Về bất động sản, doanh nghiệp này đang là chủ đầu tư của các dự án trọng điểm tại Bình Dương như Khu đô thị Trung tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu tái định cư Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2 mở rộng, Khu đô thị Thương mại dịch vụ Sóng Thần, Khu dân cư Đại Nam - Bình Phước và Khu dân cư Tân An 2. Đây được xem là những dự án bất động sản góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị tại tỉnh Bình Dương.

Trong lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp của vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng, bà Nguyễn Phương Hằng là chủ sở hữu Khu du lịch Đại Nam với tổng diện tích 450 ha, được đánh giá là một trong những khu du lịch lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Khu du lịch Đại Nam (ảnh: Website Đại Nam).

Đại Nam cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thí điểm đầu tư, xây dựng, kinh doanh khu công nghiệp (KCN) tại tỉnh Bình Dương.

Doanh nghiệp này hiện là chủ đầu tư của 2 KCN trọng điểm là KCN Sóng Thần 2 và KCN Sóng Thần 3, xếp vào hàng những khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Bình Dương. Những khu công nghiệp này cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và thu hút đông đảo lao động ở các tỉnh thành khác trên cả nước về Bình Dương lập nghiệp.

Năm 2016, vợ chồng bà Phương Hằng đầu tư vào Trường đua Đại Nam. Dự án này có diện tích khoảng 60 ha nằm ngay tại khu du lịch, trong đó có khoảng 30 ha dành để làm bãi xe có mái che và khán đài cho khách ngồi xem với sức chứa từ 50.000 - 60.000 khán giả. Đại Nam ước tính nguồn vốn đầu tư cho dự án này khoảng 100 triệu USD.

Trường đua này có các hạng mục như đua ngựa, đua chó, đua mô tô phân khối lớn, đua xe địa hình, đua mô tô nước với đường đua thiết kế có chiều dài khoảng 1.500m.

"Đây là dự án mà tôi rất tâm đắc, trước hết là tạo ra sân chơi lành mạnh cho các môn thể thao mới lạ tại Bình Dương, trong số 5 loại hình tại Trường đua Đại Nam thì đua ngựa vẫn là môn chủ lực. Đây cũng là mục tiêu chúng tôi muốn cứu vãn đàn ngựa Việt Nam đang bị mai một dần kể từ khi trường đua Phú Thọ đóng cửa...", ông Huỳnh Uy Dũng từng cho biết.

Thông tin từ Cục Thuế Bình Dương cho hay, trong năm 2020, nguồn thu từ tiền sử dụng đất phát sinh từ một số dự án lớn đã giúp tăng thu đột biến trong tổng thu ngân sách ở tỉnh này. Chỉ riêng Công ty Cổ phần Đại Nam đã nộp tiền sử dụng đất 1.234 tỷ đồng.

Mức tăng thu ngân sách từ tiền sử dụng đất giúp kết quả thu ngân sách trên địa bàn Bình Dương vẫn khả quan bất chấp tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Một số công ty nộp tiền thuê đất một lần cho nhiều năm với số tiền hàng trăm tỷ đồng cũng đã góp phần tăng thu ngân sách trong những tháng cuối năm 2020 ở địa phương này.

Được biết, ngoài Công ty Cổ phần Đại Nam, vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng liên quan tới nhiều doanh nghiệp khác tại Bình Dương như Công ty TNHH Du lịch Đại Nam Thần Tiên, Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại Nam, Công ty TNHH MTV Tân Khai, Công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định.

Theo Dân Trí
Cùng chuyên mục
Tin khác