‘Không có chuyện cào bằng giữa các doanh nghiệp trong cho vay vốn’

Khánh Hồng - 15/11/2022 10:32 (GMT+7)

(VNF) - Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, không có chuyện "cào bằng" giữa các doanh nghiệp trong cho vay vốn. Ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp bất động sản vay, tỷ lệ rủi ro là 200%; còn doanh nghiệp sản xuất tỷ lệ rủi ro là 100%.

VNF
Cho doanh nghiệp sản xuất vay vỗn tỷ lệ rủi ro sẽ thấp hơn doanh nghiệp bất động sản.

Cuối năm, các doanh nghiệp cần vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp vô cùng khó khăn, bên cạnh đó là lãi suất lên cao.

Ông Phan Phước Lộc, Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Phước Long (TP. Đà Nẵng), cho biết ông vay ngân hàng kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 5,5%. Tuy nhiên, mới đây, ngân hàng thông báo với ông Lộc hiện lãi suất tăng lên 12,8%.

Theo ông Lộc, ngân hàng đang "cào bằng" giữa doanh nghiệp bất động sản và doanh nghiệp sản xuất thương mại. “Tôi là doanh nghiệp thương mại, làm ăn 2 năm nay không nợ nần đồng nào mà ngân hàng nói hết room, lãi suất như thế thì ngân hàng cào bằng doanh nghiệp với nhau”, ông Lộc nói.

Ông Nguyễn Viết Trãi, Phó chủ tịch Hội doanh nhân quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng), cũng cho rằng ngân hàng đang có sự "cào bằng" giữa các doanh nghiệp bất động sản và doanh nghiệp sản xuất thương mại, doanh nghiệp du lịch. Đó là điều bất hợp lý.

Phản hồi về ý kiến của các doanh nghiệp, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, cho biết không có chuyện "cào bằng" giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc cho ai vay là quyền tự chủ của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước chỉ khuyến cáo các ngân hàng thương mại không nên đầu tư nhiều vào bất động sản vì đó là lĩnh vực rủi ro. Cụ thể, cho vay bất động sản là cho vay lâu dài, có thể lên đến 5 năm, 7 năm. Trong khi đó, ngân hàng huy động tiền gửi của dân cao lắm được 1 năm. Đa số tiền gửi huy động của dân là tiền gửi ngắn hạn, cho nên ngân hàng lấy tiền gửi ngắn hạn để cho vay trung dài hạn sẽ rủi ro về mặt kỳ hạn.

Về mặt điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra một công cụ để kiểm soát việc cho vay bất động sản là hệ số rủi ro: kinh doanh sản xuất là 100%, còn cho vay bất động sản là 200%.

“Ngân hàng Nhà nước đưa chính sách như vậy còn quyền là của ngân hàng thương mại tự quyết định, bản thân ngân hàng thương mại sẽ cân nhắc”, ông Võ Minh nói.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng chia sẻ thêm, trên thế giới, tất cả ngân hàng đều hoạt động theo một nguyên tắc chung, đó là lãi suất tùy theo mức độ rủi ro, những doanh nghiệp nào rủi ro cao thì lãi suất cao, rủi ro thấp thì lãi suất thấp.

Cùng chuyên mục
Tin khác