Ngân hàng

Không mạnh tay trích lập dự phòng, ngân hàng vẫn lãi đậm mùa Covid-19

(VNF) - Đa phần các ngân hàng không chấp nhận hy sinh lợi nhuận trước mắt để gia tăng "bộ đệm" dự phòng nợ xấu, bất chấp dịch Covid-19 khiến bối cảnh kinh doanh trở nên đầy rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ tổn thất lớn trong tương lai.

Không mạnh tay trích lập dự phòng, ngân hàng vẫn lãi đậm mùa Covid-19

Chi phí dự phòng không tăng mạnh, ngân hàng vẫn lãi đậm mùa Covid-19

Như đã đề cập trong bài viết Kinh doanh mùa Covid-19: Các ngân hàng đã xoay xở ra sao?, mặc dù nguồn thu từ mảng tín dụng tăng trưởng khá chậm nhưng nhờ thúc đẩy nguồn thu phi tín dụng, cùng với đó là kiểm soát chặt chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (chưa tính dự phòng) của các ngân hàng vẫn tăng trưởng khá tốt trong nửa đầu năm 2020, bất chấp ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Cụ thể, thống kê đối với 28 ngân hàng thương mại (*) cho thấy nửa đầu năm 2020, tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 105.000 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Mức tăng trưởng lợi nhuận thuần 15,9% - khá tốt trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực - liệu có phải là tiền đề để các ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng trong nửa đầu năm nhằm đối phó với các rủi ro trong tương lai hay không?

Câu trả lời là không. Dữ liệu thống kê cho thấy, mức tăng chi phí dự phòng trong nửa đầu năm dù cao hơn mức tăng lợi nhuận thuần nhưng không thực sự tăng mạnh. Theo đó, tổng chi phí dự phòng của 28 ngân hàng đạt trên 42.100 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả là lợi nhuận trước thuế (lợi nhuận thuần sau khi trừ đi chi phí dự phòng) vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao. Cụ thể, tổng lợi nhuận trước thuế của 28 ngân hàng trong diện thống kê đạt gần 62.800 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể thấy, nhìn chung, các ngân hàng đang không muốn hy sinh lợi nhuận để gia tăng "bộ đệm" dự phòng nợ xấu bất chấp dịch Covid-19 khiến bối cảnh kinh doanh trở nên đầy rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ tổn thất lớn trong tương lai.

Điều này cũng phần nào đã được VietnamFinance đề cập trong bài viết Nợ xấu ngân hàng phình to, 'bộ đệm' dự phòng có theo kịp?, khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng cuối tháng 6/2020 giảm nhẹ so với cuối năm 2019, cho thấy về tổng quan, các ngân hàng không thực sự muốn gia tăng "bộ đệm" chống chịu nợ xấu dự kiến phát sinh trong tương lai, mà đa phần chỉ tập trung vào "đệm" cho nợ xấu phát sinh ở thời điểm hiện tại.

Mặc dù vậy, vẫn có một số ngân hàng chọn cách đi an toàn: hy sinh tăng trưởng lợi nhuận để gia tăng "bộ đệm" dự phòng.

Tiêu biểu nhất là Vietcombank. Nửa đầu năm nay, chi phí dự phòng của ngân hàng này tăng 21%, khiến lợi nhuận trước thuế giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên mức kỷ lục 254% (nghĩa là cứ 100 đồng nợ xấu hiện có thì ngân hàng đã "để dành" ra 254 đồng dự phòng tổn thất), cao vượt trội trong hệ thống ngân hàng.

MB cũng là ngân hàng có truyền thống đề cao tính an toàn. Mức tăng chi phí dự phòng trong nửa đầu năm của ngân hàng này lên tới 40%, khiến tăng trưởng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 5%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao, lên đến 121%.

ACB cũng là ngân hàng tiếp tục duy trì được tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao hàng đầu hệ thống với 144%, đánh đổi là chi phí dự phòng trong kỳ tăng tới 457%, khiến lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 5%.

Khác biệt hơn, một số ngân hàng mặc dù tăng mạnh chi phí dự phòng nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn tăng tốt do lợi nhuận thuần vốn dĩ đã tăng cao. Chẳng hạn như Techcombank, dù chi phí dự phòng tăng 406% nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn tăng 19% (do lợi nhuận thuần tăng mạnh 35%). Tương tự là TPBank, với mức tăng dự phòng 49%, ngân hàng này vẫn đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tới 26% (do lợi nhuận thuần tăng mạnh 31%).

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Techcombank và TPBank đều ở mức cao trên 100%, lần lượt là 109% và 113%.

(*) 28 ngân hàng thương mại bao gồm: ABBank, ACB, BacABank, BIDV, Eximbank, HDBank, Kienlongbank, LienVietPostBank, MB, MSB, NamABank, NCB, OCB, PGBank, Sacombank, Saigonbank, SCB, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, VietABank, VietBank, Viet Capital Bank, Vietcombank, VietinBank, VPBank.

Tin mới lên