Khuyến khích ngành chip trong nước, ông Biden tới thăm nhà máy mới của TSMC tại Mỹ

Linh Anh - 01/12/2022 19:12 (GMT+7)

(VNF) - Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch đến cơ sở của nhà sản xuất chip Đài Loan TSMC ở Arizona vào ngày 6/12 để thúc đẩy ngành sản xuất chất bán dẫn của Washington, Nhà Trắng cho biết.

VNF
TSMC đã đầu tư xây dựng 2 nhà máy mới tại Arizona, Mỹ.

TSMC, tức Công ty TNHH Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan, nhà cung cấp chính cho Apple và nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đang xây dựng một nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở Phoenix, Arizona, theo Reuters.

Được biết, công ty sẽ tổ chức một buổi lễ ở nhà máy tại Arizona vào ngày 6/12, với sự góp mặt của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Wang Mei-hua cho biết sự xuất hiện của ông Biden cho thấy phía Washington coi trọng khoản đầu tư của TSMC cho ngành công nghiệp chip tại Mỹ. Bà Wang nói với các phóng viên ở Đài Bắc: “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ hình thành mối quan hệ cung cấp tốt với Mỹ”.

Người sáng lập TSMC, ông Morris Chang, tuần trước cho biết công ty đang lên kế hoạch sản xuất chip với công nghệ 3nm tiên tiến tại nhà máy mới ở Phoenix nhưng kế hoạch vẫn chưa được hoàn thiện.

TSMC, công ty niêm yết có giá trị nhất châu Á, cho biết họ cũng đã xây dựng nhà máy tiềm năng thứ hai ở Arizona, bắt đầu từ giữa năm 2021.

Vị thế thống trị của Đài Loan với tư cách là nhà sản xuất chip được sử dụng trong công nghệ từ điện thoại di động, ô tô cho đến máy bay chiến đấu, đã làm dấy lên lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào khu vực này, đặc biệt là khi Trung Quốc gia tăng áp lực quân sự để khẳng định chủ quyền tại hòn đảo.

Trong khi đó, cả Mỹ và châu Âu đều đang chi hàng tỷ USD để khuyến khích ngành sản xuất chip tại nội địa và thu hút các công ty chip nước ngoài xây dựng nhà máy, đặc biệt là các công ty Đài Loan.

Hồi tháng 8, ông Biden đã ký luật tài trợ 52,7 tỷ USD cho nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn. Luật "Chip và Khoa học" cũng bao gồm tín dụng thuế đầu tư cho các nhà máy chip ước tính trị giá 24 tỷ USD.

Bằng cách trợ cấp cho việc sản xuất chip của Mỹ và mở rộng tài trợ nghiên cứu, luật này nhằm mục đích giảm bớt tình trạng thiếu hụt dai dẳng đã ảnh hưởng đến mọi thứ, từ ô tô và vũ khí đến máy giặt và trò chơi điện tử.

Trên góc nhìn khác, nhà máy ở Arizona (Mỹ) của TSMC đã làm dấy lên mối lo ngại ở Đài Loan, nơi sản xuất chất bán dẫn là xương sống của nền kinh tế, về xu hướng "tạm biệt Đài Loan" của các hãng chip. TSMC, công ty sản xuất phần lớn chip ở Đài Loan, cũng đang xây dựng một nhà máy ở Nhật Bản.

Trước những lo ngại này, Bộ trưởng Kinh tế Wang Mei-hua khẳng định rằng phần lớn chip vẫn sẽ được sản xuất tại Đài Loan, bất chấp các kế hoạch tại Mỹ và Nhật Bản.

Xem thêm >> TSMC bắt tay Sony xây dựng nhà máy chip 7 tỷ USD tại Nhật Bản

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác