Kiểm toán chỉ ra khoản lỗ hơn 15.000 tỷ đồng liên quan VIMC tính đến cuối 2021

An Chi - 26/05/2023 16:31 (GMT+7)

(VNF) - Theo Báo cáo tổng hợp kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước, luỹ kế đến ngày 31/12/ 2021, có loạt công ty con và liên kết của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã lỗ với tổng số tiền hơn 15.000 tỷ đồng.

VNF
Kiểm toán chỉ ra khoản lỗ hơn 15.000 tỷ đồng liên quan VIMC tính đến cuối 2021.

Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 219 đơn vị thuộc 20 tập đoàn, tổng công ty và công ty.

Kết quả kiểm toán cho thấy, có một số đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp và thua lỗ. Cụ thể, tại Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã có 10 công ty con con lỗ lũy kế đến 31/12/2021 là 1.677 tỷ đồng.

Được biết, tại thời điểm 31/12/2021, Công ty mẹ - VIMC có 22 công ty con. Trong đó, công ty này đã đầu tư hơn 9.681 tỷ đồng (tương đương 70% tổng tài sản) vào 18 công con. Một số đơn vị có vốn đầu tư lên tới nghìn tỷ có thể kể đến như Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng (4.781,7 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng (1.435,5 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn (1.132,5 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, có 3/22 công ty con đang trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản nên không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá gồm: Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Việt Nam (Falcon); Công ty TNHH MTV vận tải biển Viễn Dương Vinashin và Công ty Xuất nhập khẩu Vật tư đường biển.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một số khoản đầu tư của tập đoàn, tổng công ty vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ hoặc có khả năng mất vốn. Trong đó, Công ty mẹ - VIMC có 9 công ty và 2 khoản đầu tư khác lỗ lũy kế lên tới 15.345 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2021, Công ty mẹ - VIMC đã đầu tư 403,8 tỷ đồng vào 11 công ty liên kết. Nhiều nhất là tại Công ty TNHH Cảng quốc tế SP-PSA với số tiền 169,4 tỷ đồng. 

Không chỉ tại VIMC, trong báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021, Kiểm toán cũng điểm tên một số đơn vị đầu tư không hiệu quả, thua lỗ thuộc các tập đoàn, tổng công ty như: Công ty mẹ - Vinafood1, EVN, TKV, Vicem…

Liên quan đến kết quả kinh doanh của VIMC, theo báo cáo tài chính hợp quý I/2023, doanh thu của công ty đạt 355 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, Công ty lỗ sau thuế 9 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, VIMC có doanh thu hợp nhất đạt 2.849 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 396,5 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 42% so với quý I/2022.

Cùng chuyên mục
Tin khác