Kiến nghị tăng thuế rượu bia, thuốc lá để giảm gánh nặng bệnh tật

Hồ Mai - 06/04/2016 06:48 (GMT+7)

(VNF) - Các chuyên gia kinh tế - y tế tham gia tọa đàm "Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và sức khoẻ cộng đồng" đều thống nhất ủng hộ cho việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia và thuốc lá để tăng thu ngân sách nhà nước cũng như giảm gánh nặng y tế.

Tại buổi tọa đàm "Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và sức khoẻ cộng đồng" vừa diễn ra, Tiến sỹ Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có vai trò rất quan trọng với ngân sách. Thuế TTĐB hiện đóng góp khoảng 7% tổng thu ngân sách, trong đó thuế TTĐB rượu bia và thuốc lá chiếm tới 60% thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, việc tăng thuế TTĐB với rượu bia và thuốc lá một mặt giúp tăng thu ngân sách, điều này có ý nghĩa rất lớn nhất là trong bối cảnh hiện nay khi ngân sách nhà nước đang bội chi và đang trong tình trạng phải vay nợ mới để trả nợ cũ.

Mặt khác, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho hay, trong khi sử dụng thuốc lá và lạm dụng rượu bia đã và đang đem lại rất nhiều hệ lụy đến sức khỏe và xã hội, thì ở Việt Nam hiện nay lại đang tồn tại sự mất cân đối khi các sản phẩm gây hại đến người tiêu dùng như rượu bia, thuốc lá đánh thuế chưa đủ cao, giá thành lại rất rẻ trong khi các sản phẩm thiết yếu và phục vụ cho những đối tượng rất nhạy cảm như là sữa cho người già, trẻ em, người ốm thì lại đánh thuế mạnh, có giá thành rất cao.

"Do vậy, việc tăng thuế với rượu bia và thuốc lá là cần thiết để tăng giá thành của các sản phẩm cần được hạn chế tiêu dùng này, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật liên quan", Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nhận định.

Thạc sỹ - bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam chia sẻ: "Việc tăng thuế là một biện pháp cùng thắng (win - win) cả cho chính phủ và người dân trong tình cảnh ngân sách thâm hụt nặng nề. Người dân tránh bệnh tật, nhà nước có nguồn thu bổ sung. Kinh nghiệm từ 2 nước láng giềng Thái Lan và Philippines đã chứng minh điều này là đúng".

Đồng quan điểm, thạc sỹ - bác sỹ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Văn phòng HealthBridge Canada tại Việt Nam, cho biết: "Thuốc lá, rượu bia giá rẻ là nguyên nhân số 1 gây nên "nạn dịch" hút thuốc lá rượu bia tại Việt Nam, đặc biệt ở vùng nông thôn Việt Nam dẫn đến những hệ lụy to lớn về sức khỏe, gánh nặng kinh tế và xã hội đã được cảnh báo và đang diễn ra tại Việt Nam. Việt Nam là nước có mức tiêu thụ rượu, bia đứng thứ nhất ở ASEAN và thứ 3 tại Châu Á. Sử dụng rượu, bia gây ra 5,7% tổng số ca tử vong; 4,7% tổng gánh nặng bệnh tật tính bằng chỉ số DALY của Việt Nam và tỷ lệ tiền chi từ túi hộ gia đình trên tổng số chi y tế lên tới 49% năm vào năm 2010".

"Các nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc tăng thuế sẽ góp phần làm giảm số người hút thuốc lá. Ở Thái Lan, việc tăng thuế TTĐB từ 60% (1994) lên 85% (2009) đã góp phần làm giảm số lượng người hút thuốc lá từ 12,5 triệu (1996) xuống 10,9 triệu (2009). Tương tự với Brazil, khi việc tăng thuế giúp giảm người hút thuốc từ 21,35 triệu (2006) xuống 17,1 triệu (2013). Theo Ngân hàng Thế giới, trung bình tăng giá 10% sẽ làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm thuốc lá đi khoảng 4% ở các nước thu nhập cao và khoảng 8% ở các nước có thu nhập thấp và trung bình", Thạc sỹ - bác sỹ Trần Tuấn, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo phát triển Cộng đồng - RTCCD, Trưởng Ban thường  trực hành động Liên minh vận động chính sách Y tế dựa trên bằng chứng khoa học - EBHPD, chia sẻ.

Ngày 4/4/2016, các tổ chức phi chính phủ đã gửi Thư kiến nghị đến Quốc Hội và các Ủy ban của quốc hội, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với Chính phủ trong việc điều chỉnh giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu bia tại Nghị định 108/2015/NĐ-CP, Thông tư 195/2015/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

Thư cũng thể hiện rõ mong muốn Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội chấp nhận những đề xuất sửa đổi nội dung giá tính thuế trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế của Chính phủ tại kỳ họp thứ 11 quốc hội khóa XIII; đồng thời kiến nghị tiếp tục nghiên cứu sớm tăng thuế thuốc lá, rượu bia để phù hợp với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới và Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới mà  Việt Nam cam kết.

Theo các chuyên gia, giá thuốc lá và rượu bia ở Việt Nam hiện quá rẻ và thuế suất thuế TTĐB còn quá thấp so với mức kiến nghị của giới khoa học Y tế Công cộng.

Với  mức thuế suất thuế TTĐB của thuốc lá điếu tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB2014 (tăng từ 65% lên 70% từ 1/1/2016 và từ 70% lên 75% từ 1/1/2019) chỉ làm cho giá bán lẻ tăng được khoảng 2,9% tại thời điểm tăng thuế vào năm 2016 và 2,8% vào năm 2019; và chỉ ở mức dưới 1% trung bình cho cả giai đoạn 2015 đến 2020 sau khi đã trừ yếu tố lạm phát.

Trong khi đó mức tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn hiện nay của Việt Nam ước tính trung bình là 5%/năm. Điều đó cho thấy trong những năm tới  giá (thực) của thuốc lá sẽ tiếp tục rẻ đi. Điều tương tự sẽ diễn ra với các sản phẩm rượu bia. Đó là điều đáng tiếc cho cả ngân sách và các mục tiêu y tế công cộng ở Việt Nam, vì nó không có tác động làm giảm xu hướng gia tăng tiêu dùng thuốc lá và rượu bia ở Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Tin khác