Kiều hối về TP. HCM đạt 1,45 tỷ USD trong quý I, tăng hơn 10%

Trần Lê - 31/03/2021 11:10 (GMT+7)

(VNF) - Trong 3 tháng đầu năm 2021, lượng kiều hối chuyển về TP. HCM đạt 1,45 tỷ USD

VNF
Kiều hối về TP. HCM vẫn tăng 10% so cùng kỳ (ảnh minh họa)

Theo Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP. HCM, trong 3 tháng đầu năm 2021, lượng kiều hối chuyển về thành phố đạt 1,45 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó, trong cả năm 2020, kiều hối chuyển về địa bàn TP. HCM đạt con số kỷ lục 6,1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2019.

TP. HCM hiện đang có gần 2 triệu kiều bào sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Để tạo thuận lợi cho kiều bào chuyển tiền về nước, đơn giản hóa giao dịch chi trả cho thân nhân, thành phồ đã triển khai thêm các phương thức thanh toán bằng công nghệ.

Tính trên cả nước năm 2020, số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), kiều hối về Việt Nam ước đạt khoảng 15,7 tỷ USD, thuộc top 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.

Tính chung trong 5 năm qua, tổng kiều hối gửi về Việt Nam đạt 71 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 6%/năm, trong đó năm 2018 và 2019 đạt lần lượt là 16 và 16,7 tỷ USD.

Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều hằng năm. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng thêm khoảng 10.000 người mỗi năm. Nếu như đầu những năm 2010 chỉ có khoảng 500.000 lao động làm việc ở nước ngoài thì đến thời điểm này, số lao động Việt làm việc ở nước ngoài đã là 580.000 người.

Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số lượng người lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài sụt giảm còn hơn 78.000 người. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Đài Loan (Trung Quốc) hiện có 230.000 lao động người Việt, Nhật Bản có gần 230.000 người, Hàn Quốc có gần 50.000 người, Malaysia và các nước Đông Nam Á khoảng 30.000 người, khu vực Trung Đông - châu Phi và châu Âu mỗi nơi khoảng 15.000 người...

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, các thị trường mà người lao động "yêu thích" đều là những thị trường có thu nhập cao, chủ yếu thuộc khu vực Đông Bắc Á, như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, bên cạnh thị trường châu Âu và Trung Đông. 

Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo (cơ khí, may mặc, giày da, lắp ráp điện tử....), giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người bệnh, nông nghiệp, thủy sản... Trung bình mức thu nhập vào khoảng 1.200 - 1.400 USD/tháng ở Hàn Quốc, Nhật Bản; 700 - 800 USD/tháng ở Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu; 400 - 600 USD/tháng ở thị trường Trung Đông, châu Phi và Malaysia.

Không chỉ chuyển ngoại tệ về góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của chính gia đình người lao động, xuất khẩu lao động còn góp phần vào giải quyết việc làm, giảm sức ép về tạo việc làmcho người lao động trong nước. Cụ thể, số người lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm thường chiếm tỉ lệ khoảng 7-9% số lượng lao động được giải quyết việc làm và tạo việc làm hằng năm của cả nước.

Trong năm 2021, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và con số này trong giai đoạn 2021 - 2025 là 500.000 lao động. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 và những biến động chính trị tại nhiều nước, mục tiêu này sẽ bị ảnh hưởng.

Cùng chuyên mục
Tin khác