Kinh doanh báo chí - 'game' khó với các tỷ phú

Quỳnh Anh - 21/06/2024 07:45 (GMT+7)

(VNF) - Trong ngành kinh doanh tin tức, người ta thường “rỉ tai" nhau về một câu nói khá mỉa mai: “Nếu muốn kiếm được một khoản tài sản nhỏ, hãy bắt đầu từ một khối tài sản lớn". Ngụ ý đơn giản là kiếm tiền từ báo chí rất khó, mà nói sâu xa hơn, là đầu tư vào ngành này thường “lỗ to".

Những quyết định táo bạo

Một thực trạng phổ biến và dễ nhận thấy trong thập kỷ qua là sự suy yếu của các nhà xuất bản tin tức. Bỏ qua các nguyên nhân dẫn tới vấn đề này, chỉ xét trên bình diện đầu tư, rõ ràng, nguyên tắc cơ bản là nắm bắt cơ hội và “rót tiền" mua đồ tốt với mức giá “hời". Giống như mọi thợ săn nhạy bén, nhiều tỷ phú đã không bỏ lỡ thời điểm tốt để mua lại một số hãng tin tức danh giá của Mỹ.

Tỷ phú Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, mua tờ Washington Post năm 2013 có giá khoảng 250 triệu USD, với tham vọng biến tờ tạp chí địa phương thành một tổ chức tin tức toàn cầu. Patrick Soon-Shiong, tỷ phú công nghệ sinh học và khởi nghiệp, đã mua tờ Los Angeles Times năm 2018 với giá 500 triệu USD và kể từ đó tới nay đã đầu tư thêm vài trăm triệu USD để hiện đại hoá thương hiệu tin tức này. Marc Benioff, người sáng lập gã khổng lồ phần mềm Salesforce, cùng vợ mình là bà Lynne, đã mua tạp chí Time với giá 190 triệu USD vào năm 2018.

Cả ba phòng tin tức đều chào đón chủ sở hữu mới của họ với sự lạc quan thận trọng rằng sự nhạy bén trong kinh doanh và bí quyết công nghệ của họ sẽ giúp giải quyết bài toán khó về cách kiếm tiền từ xuất bản phẩm tin tức kỹ thuật số.

Ván cược không thuận lợi

Theo nhiều nguồn tin trong ngành, dù chi ra những khoản tiền không nhỏ để sở hữu những thương hiệu tin tức có tiếng nhưng những tỷ phú đầu tư vào tin tức đang “sa lầy" và chịu những khoản lỗ không hề nhỏ. Cả tờ Time, The Washington Post và The Los Angeles Times đều lỗ hàng triệu USD vào năm 2023, bất chấp các chủ sở hữu đầu tư đáng kể và nỗ lực hết mình để tạo ra các nguồn doanh thu mới.

Tờ tạp chí Time, theo nhiều nguồn tin, có nguy cơ lỗ 30-40 triệu USD vào năm 2023. Năm ngoái, công ty đã cắt giảm khoảng 74 việc làm và đến cuối tháng 1 năm nay sa thải khoảng 15% nhân viên biên tập.

Tương tự, các thành viên của Hiệp hội Thời báo Los Angeles đã họp khẩn cấp trước khi quyết định cắt giảm khoảng 20% nhân viên tòa soạn, tương đương khoảng 115 nhân viên vào đầu năm nay. Đây là một trong những đợt cắt giảm nhân sự lớn nhất trong lịch sử 143 năm của tờ báo.

Người phát ngôn của tỷ phú sở hữu tờ Los Angeles Soon Shiong từ chối bình luận về số liệu tài chính cụ thể nhưng cho biết công ty có “khoảng cách đáng kể giữa doanh thu và chi phí”, ngay cả khi sa thải nhân viên và các biện pháp tiết kiệm chi phí khác từ năm ngoái. Trong một bài phỏng vấn năm 2022, tức 4 năm sau khi mua lại tờ báo, chính ông Soon Shiong đã thừa nhận, tính cả số tiền mua lại ban đầu, gia đình ông đã đầu tư tới hàng tỷ USD vào Los Angeles Time và chưa nhận lại được kết quả tương xứng với số tiền bỏ ra.

Ông Bezos cũng không khá hơn là bao ở The Washington Post. Theo hai người am hiểu về tài chính của công ty, tờ báo này đã lỗ khoảng 100 triệu USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ không đạt được dự báo về doanh thu quảng cáo trong năm nay.

Giống như nhiều tổ chức tin tức khác, The Washington Post đã phải vật lộn để tăng số lượng khách hàng trả tiền kể từ cuộc bầu cử năm 2020, khi số lượt đăng ký kỹ thuật số của họ đạt đỉnh điểm là 3 triệu lượt và hiện đã giảm xuống còn 2,5 triệu lượt. Cuối năm 2023, công ty đã loại bỏ 240 trong số 2.500 nhân công, bao gồm cả một số nhà báo được đánh giá cao.

Ông chủ Amazon muốn tối ưu chi phí đến mức ông giữ số biên tập viên chỉ ở mức tối thiểu và không đủ để tờ tạp chí hoạt động. Và các nhân viên của The Washington Post đầu năm nay đã phải gửi thư tới biên tập viên hàng đầu của họ, bà Sally Buzbee, về việc thiếu nguồn lực trầm trọng cho hoạt động báo chí.

Bà Ann Marie Lipinski, người phụ trách Quỹ Báo chí Nieman tại Harvard, cho biết: “Sự giàu có không giúp chủ sở hữu (những tờ báo này) tránh khỏi những thách thức nghiêm trọng đang gây khó khăn cho nhiều công ty truyền thông, và rõ ràng việc anh là một tỷ phú không đồng nghĩa với việc anh có thể giải quyết những vấn đề này".

Công bằng mà nói, vẫn có những điểm sáng trong những thương vụ tương tự trong ngành. Tỷ phú John W. Henry, chủ sở hữu của Boston Red Sox, mua tờ The Boston Globe vào năm 2013 với giá 70 triệu USD, đã có lãi trong nhiều năm. Vị tỷ phú cho biết số lợi nhuận đó đã được tái đầu tư vào The Globe. Hay tờ The Atlantic, được Laurene Powell Jobs mua vào năm 2017, đã đặt mục tiêu đạt được một triệu người đăng ký cả bản in và bản kỹ thuật số, đồng thời đạt được lợi nhuận. Công ty cho biết họ đã có hơn 925.000 người đăng ký tính đến mùa hè năm ngoái, mặc dù vẫn chưa có lãi.

Nhưng những tỷ phú này dường như là những ngoại lệ cuối cùng trong ngành, trước khi tình hình kinh doanh của các cơ quan báo chí trở nên tồi tệ hơn khi các chủ sở hữu tỷ phú không thể thay đổi những động lực thị trường khắc nghiệt. Ngoài ra, vì họ kiếm tiền từ các ngành khác, nên dù vô tình hay hữu ý, các chủ sở hữu thường tạo ra xung đột lợi ích tại các toà soạn. Chưa nói tới việc vì khối tài sản của họ quá khổng lồ, nên những tổn thất do một cuộc đầu tư thất bại dường như không đáng kể, trong khi hàng trăm người khác có thể mất kế sinh nhai nếu toà soạn sụp đổ.

Ken Doctor, một nhà phân tích và doanh nhân truyền thông, cho biết các tỷ phú trong ngành tin tức đang có “dấu hiệu mệt mỏi hơn”, xuất phát từ những thách thức bao gồm “sự lo lắng và né tránh tin tức cũng như cạnh tranh quảng cáo khốc liệt” và ngày càng nhiều lựa chọn tìm cách bán đi những “gánh nặng" này.

Không thể chỉ trông chờ vào “lòng tốt" của các tỷ phú?

Ở một góc nhìn khác, trong khi động lực thị trường cho các phương tiện truyền thông tin tức ngày càng trở nên tồi tệ hơn thì nhu cầu của người dân về báo chí có chất lượng, dễ tiếp cận lại lớn hơn bao giờ hết. Khi báo chí chất lượng biến mất, nó sẽ làm gia tăng một loạt vấn đề, từ tham nhũng gia tăng đến giảm sút sự tham gia của người dân, đe dọa đến sức sống của mọi nền kinh tế.

Do đó, việc gia tăng chất lượng báo chí và duy trì sức sống cho những tờ tin tức có tiếng là một trong những biện pháp thiết yếu. Mà để duy trì điều này, chắc chắn cần tới những khoản đầu tư từ những nhà đầu tư “kếch xù" tầm cỡ tỷ phú. Đôi khi, chỉ một tin tức tỷ phú mua lại đơn vị báo chí cũng đã tạo ra những cơn sóng tích cực đối với cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, vì việc đầu tư vào những cơ quan này có thể tiêu tốn rất nhiều, nhưng kết quả nhận được khá khiêm tốn, thông thường, những vụ tiếp quản này thường không có kết quả êm đẹp. Có lẽ, đã đến lúc nên giảm kỳ vọng vào việc chờ mong những khoản đầu tư lớn từ những người giàu hay những nỗ lực riêng lẻ. Hoặc có lẽ, ngành báo chí nên tạo ra một nguồn thu chung (nguồn từ thiện, quỹ công,...) để cùng trang trải qua cơn sóng lớn?

CNN: 'Tin tức thường trực' là bảo chứng thành công

CNN: 'Tin tức thường trực' là bảo chứng thành công

Tài chính quốc tế
(VNF) - Cable News Network (CNN) là kênh truyền hình cáp chuyên phát tin tức có tính phí đặt trụ sở tại Atlanta, Georgia (Mỹ). Là kênh truyền hình chuyên về tin tức 24/7đầu tiên trên thế giới, CNN đã sớm gặt hái những “trái ngọt", nhưng cũng đối mặt nhiều bất định khi ngành tin tức trải qua những thay đổi mang tính quyết định.
Kinh tế báo chí trước thách thức của mạng xã hội

Kinh tế báo chí trước thách thức của mạng xã hội

Diễn đàn
(VNF) - Hiện cả nước có 6 có quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 673 tạp chí và 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Dù khác nhau về loại hình nhưng các cơ quan báo chí đang giống nhau ở tình cảnh sụt giảm về doanh thu, nhất là với các cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Chuyên đề ‘Kinh tế báo chí’ trên Tạp chí Đầu tư Tài chính số tháng 6/2024

Chuyên đề ‘Kinh tế báo chí’ trên Tạp chí Đầu tư Tài chính số tháng 6/2024

Diễn đàn
(VNF) - Trong số tháng 6/2024, Tạp chí Đầu tư Tài chính phát triển chuyên đề “Kinh tế báo chí” nhằm mang đến bức tranh toàn cảnh, chuyên sâu về dòng chảy tài chính trong lĩnh vực báo chí – truyền thông tại Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay.
Cùng chuyên mục
Tin khác