Kinh tế báo chí trước thách thức của mạng xã hội

Mai An - 19/06/2024 06:30 (GMT+7)

(VNF) - Hiện cả nước có 6 có quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 673 tạp chí và 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Dù khác nhau về loại hình nhưng các cơ quan báo chí đang giống nhau ở tình cảnh sụt giảm về doanh thu, nhất là với các cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính.

Mạng xã hội “hút” hết 50% doanh thu báo chí

Những năm gần đây, dòng chảy ngân sách quảng cáo vào báo chí đang giảm dần theo tỷ lệ trên tổng chi quảng cáo hằng năm, gây khó khăn nhất định cho nhiều cơ quan báo chí và có thể dẫn đến những hệ lụy đối với sự phát triển. Thống kê cho thấy trong thị trường truyền thông 4 tỷ USD, có khoảng hơn 50% doanh thu chảy vào hoạt động mạng xã hội chứ không phải là báo chí.

Theo khảo sát của Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), hiện có 5 nguồn thu chính của cơ quan báo chí, gồm: quảng cáo trên báo in; ngân sách từ nhà nước, cơ quan chủ quản; doanh thu từ phát hành báo in; hợp đồng truyền thông, nội dung được tài trợ, tiếp thị liên kết; quảng cáo điện tử. Trong đó, việc đa dạng các nguồn thu gặp nhiều khó khăn.

Kết quả khảo sát của IPS cũng chỉ ra rằng có 7 cơ quan báo chí được khảo sát có doanh thu từ độc giả; 5 cơ quan báo chí doanh thu độc giả chỉ chiếm một phần rất nhỏ, không đáng kể trong doanh thu tòa soạn; 56,5% cơ quan báo chí chưa thu phí độc giả đọc báo điện tử không có dự định triển khai hình thức này trong 3 năm tới.

Khảo sát của IPS từ 177 cơ quan báo chí cũng cho thấy có đến 78% cơ quan báo chí có doanh thu hầu như không đổi hoặc tăng nhẹ 10 - 30%; 16,9% cơ quan báo chí ghi nhận doanh thu giảm. Trong đó, có 71,1% cơ quan báo chí có doanh thu từ quảng cáo trên báo in giữ ổn định hoặc giảm. Còn số lượng cơ quan báo chí có doanh thu từ quảng cáo trên báo điện tử giữ ổn định hoặc tăng cũng chiếm 74,6%.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng đã bắt đầu xuất hiện các hình thức thu phí độc giả. Dù vậy, theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS, việc triển khai thu phí độc giả của các cơ quan báo chí cũng gặp những khó khăn nhất định.

Cụ thể, độc giả chỉ trả tiền để đọc một tờ báo trực tuyến; nhận thức về tầm quan trọng của dữ liệu độc giả còn hạn chế dẫn đến việc ứng dụng dữ liệu để hiểu và phục vụ nhu cầu độc giả chưa phổ biến. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí không thể thu phí khi không hiểu hành vi độc giả. Chính vì không hiểu nên có độ vênh giữa số lượng nội dung xuất bản và nhu cầu của người đọc.

Đề xuất về hướng đi dài hạn cho các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cần đề xuất lãnh đạo Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho các cơ quan báo chí. Trong đó, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho toàn bộ sản phẩm báo chí; đơn giản hóa thủ tục hành chính với các gói truyền thông chính sách; tạo thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tương tác của người dùng trên các nền tảng mạng xã hội.

Trong hướng đi dài hạn, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng cần đẩy mạnh xã hội hóa để tăng đầu tư cho cho năng lực công nghệ, kinh doanh cho các cơ quan báo chí; hỗ trợ các cơ quan báo chí tăng cường hiện diện và hợp tác kinh doanh với nền tảng mạng xã hội qua vai trò “cầu nối” của Bộ Thông tin và Truyền thông…

Cơ quan báo chí đã khó nay còn khó hơn

Thực tế, sự khó khăn về tài chính của các cơ quan báo chí cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Cụ thể, trong phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) đã đề cập vấn đề về cơ chế tài chính đối với các cơ quan báo chí hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và cần sớm được tháo gỡ.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương dẫn báo cáo của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội về việc thời gian qua Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo quyết liệt, quan tâm tháo gỡ khó khăn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực báo chí, xuất bản, thông tin truyền thông. Dù vậy, việc thực hiện các quy định liên quan đến định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xây dựng đơn giá để thực hiện đặt hàng đấu thầu trong lĩnh vực báo chí vẫn còn nhiều vướng mắc.

Theo đại biểu này, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, truyền thông xã hội trên các nền tảng số xuyên quốc gia đã đặt ra nhiều thách thức và khiến doanh thu của các cơ quan báo chí ngày càng sụt giảm. Trong khi đó, kinh phí sản xuất ngày càng tăng trên tất cả các lĩnh vực, từ thù lao chi trả cho nhân lực, tổ chức sản xuất đến chi phí bản quyền. Tuy nhiên, định mức tối đa chưa bắt kịp với tình hình thực tế khiến hoạt động của các cơ quan báo chí đã khó khăn nay còn khó khăn hơn.

Từ thực tiễn đó, đại biểu đoàn An Giang kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện, sớm ban hành các thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí, đảm bảo tính đúng, tính đủ; đồng thời, sửa đổi quy định về cơ chế đặt hàng, đấu thầu, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các cơ quan báo chí.

“Cần có lộ trình sửa đổi các quy định về thuế, phí, lệ phí, chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí phù hợp với đặc thù hoạt động của từng loại báo chí và xu thế phát triển kinh tế báo chí trong giai đoạn hiện nay”, đại biểu Trần Thị Thanh Hương nói.

Đại biểu An Giang sau đó nhấn mạnh đây là yêu cầu cấp thiết đặt ra và các cơ quan báo chí cũng đang từng ngày, từng giờ mong mỏi Chính phủ, bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện các cơ chế tài chính. Qua đó, tạo điều kiện cho báo chí Việt Nam ngày càng phát triển, phù hợp với xu hướng truyền thông hiện đại, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội.

Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng nguồn thu báo chí đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan báo chí hiện nay. Nếu các cơ quan báo chí chỉ trông chờ vào quảng cáo sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu, bởi hiện nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng mạnh sang quảng cáo trên các nền tảng Internet, mạng xã hội… Trong khi đó, nhiều trang tin, mạng xã hội lấy nội dung có chọn lọc một cách chủ đích từ các tờ báo cũng thu hút doanh thu quảng cáo khiến “miếng bánh” kinh tế của các cơ quan báo chí bị chia nhỏ ra.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thừa nhận việc các cơ quan báo chí gặp khó khăn trong hoạt động kinh tế báo chí có một phần trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các cơ chế chính sách chưa đủ nhanh, kịp thời.

Kinh tế báo chí: Góc nhìn từ lịch sử

Kinh tế báo chí: Góc nhìn từ lịch sử

Góc nhìn
(VNF) - Sau khi hoàn tất việc chiếm đóng Đông Dương, người Pháp bắt đầu các hoạt động kinh tế, thương mại trên quy mô lớn. Quá trình này, vốn lâu nay vẫn được gọi là các cuộc "khai thác thuộc địa", đã đưa tới những thay đổi hết sức quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam. Trong dòng chảy đó, một nền báo chí thực sự cũng đã hình thành, trong đó có báo chí kinh tế và khái niệm kinh tế báo chí xuất hiện.
'Không có kinh tế, không thể có cơ quan báo chí mạnh'

'Không có kinh tế, không thể có cơ quan báo chí mạnh'

Tiêu điểm
(VNF) - Nhấn mạnh kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí Cách mạng Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh được.
Doanh nghiệp và báo chí: Đi cùng nhau để phát triển

Doanh nghiệp và báo chí: Đi cùng nhau để phát triển

Tiêu điểm
(VNF) - Báo chí và doanh nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong mối quan hệ cùng nhau phát triển, truyền tải thông tin và góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Cùng chuyên mục
Tin khác