CNN: 'Tin tức thường trực' là bảo chứng thành công
(VNF) - Cable News Network (CNN) là kênh truyền hình cáp chuyên phát tin tức có tính phí đặt trụ sở tại Atlanta, Georgia (Mỹ). Là kênh truyền hình chuyên về tin tức 24/7đầu tiên trên thế giới, CNN đã sớm gặt hái những “trái ngọt", nhưng cũng đối mặt nhiều bất định khi ngành tin tức trải qua những thay đổi mang tính quyết định.
Sinh sau đẻ muộn, phát triển thần tốc
CNN được thành lập vào năm 1980 bởi tỷ phú truyền thông Ted Turner. Ngay khi được thành lập, CNN là hệ thống truyền thông đầu tiên cung cấp tin tức 24/24 trên truyền hình. CNN được coi là mang tới “cuộc cách mạng” về truyền hình bởi đây là kênh đầu tiên chuyên phát tin tức, không có phim ảnh, âm nhạc, không có phóng sự dài và tạp kỹ.
Ngay tại buổi phát sóng đầu tiên, Ted Turner đã chia sẻ về sứ mệnh của CNN: "Chúng tôi sẽ không ngừng đưa tin cho tới khi thế giới này sụp đổ và khi ấy, chúng tôi sẽ chiếu trên truyền hình cho các bạn thấy sự sụp đổ đó". Với phương châm "Be the first to know" (Tạm dịch: “Hãy là người đầu tiên biết được"), CNN từng bước thực hiện sứ mệnh là "lịch sử sống" của thế giới.
Ban đầu bị các đối thủ cạnh tranh giàu có hơn chế giễu vì nguồn tài chính tương đối hạn hẹp, CNN đã phải trải qua quãng thời gian khó khăn trước khi giành được sự tôn trọng trong ngành. Trưởng thành và mở rộng cùng với bản thân ngành công nghiệp truyền hình cáp, CNN đã duy trì lượng người theo dõi trung thành bằng cách cung cấp những gì mà các mạng lớn không có: đưa tin đầy đủ, liên tục về tất cả các sự kiện tin tức, dù lớn hay nhỏ. Chỉ sau 5 năm, tới năm 1985, CNN đã vươn ra phạm vi quốc tế với International CNN và hiện đang thống lĩnh kênh truyền hình cung cấp tin tức đáng tin cậy và lớn nhất thế giới.
Trong Chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991, CNN là hãng tin duy nhất có khả năng liên lạc từ bên trong Iraq. Điều này đã củng cố danh tiếng của kênh truyền thông này với tư cách là một nhà cung cấp tin tức và cũng khiến một số phóng viên trở nên nổi tiếng. Năm 1986, kênh này đã giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh đưa tin ngay tại chỗ về thảm họa tàu con thoi Challenger. Năm năm sau, CNN lại vượt trội so với các mạng khác với chương trình truyền hình trực tiếp về Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư, đưa tin về trận chiến từ cả hai phía của cuộc xung đột.
Trong những thập kỷ tiếp theo, phạm vi tiếp cận của CNN đã mở rộng đáng kể, với 14 mạng truyền hình cáp và vệ tinh; 6 trang web, trong đó có CNN.com; 2 mạng lưới dựa trên địa điểm riêng tư; 2 mạng vô tuyến; thiết bị không dây cung cấp tin tức và thông tin cho thiết bị di động; và CNN Newsource, dịch vụ tin tức tổng hợp rộng rãi nhất thế giới.
Công ty hiện vận hành không dưới 36 văn phòng, 26 trong số đó có trụ sở quốc tế, với hơn 4.000 nhân viên. Năm 1996, CNN đã được tập đoàn giải trí Time Warner Inc. (sau này gọi là WarnerMedia) tiếp quản với giá 7,5 tỷ USD - một con số không hề nhỏ trong ngành truyền thông, trước khi về dưới trướng Warner Bros vào năm 2022. Năm 2023, CNN giữ vững vị thế là hãng tin tức kỹ thuật số số 1 ở cả Mỹ và toàn cầu, có trung bình hàng tháng là 159 triệu lượt truy cập trên thiết bị di động và máy tính để bàn toàn thế giới.
Mô hình kinh doanh đa dạng từ tin tức
Là một kênh chuyên về tin tức, hoạt động với tôn chỉ không để sót bất kỳ tin tức nào trên thế giới, làm việc 24/7, CNN đã tự tạo dựng một “đế chế" riêng trong ngành truyền thông và cũng là một trong những công ty “ăn nên làm ra" nhờ tin tức. CNN tạo thu nhập từ một số nguồn: quảng cáo, mạng liên kết video, gói đăng ký truyền hình cáp và nội dung theo gói.
Mặc dù doanh thu cụ thể của CNN không được công bố, nhưng theo nhiều nguồn tin, doanh thu cao nhất của CNN là mức 2 tỷ USD vào năm 2023. Chỉ riêng năm 2000, CNN đã thu về 1,4 tỷ USD. Lợi nhuận của CNN trong quãng thời gian từ 2016-2020 ở mức hơn 1 tỷ USD/năm, trước khi rơi xuống còn 750 triệu USD vào năm 2022.
Cụ thể hơn, CNN tạo ra một phần doanh thu đáng kể thông qua quảng cáo và đây cũng là nguồn thu nhập chính của công ty. Mạng cung cấp cho các nhà quảng cáo cơ hội tiếp cận lượng người xem khổng lồ thông qua các định dạng quảng cáo khác nhau, bao gồm quảng cáo trong các chương trình phát sóng trên truyền hình, quảng cáo kỹ thuật số trên trang web và ứng dụng di động cũng như nội dung được tài trợ. Trong 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu quảng cáo của CNN là 312,6 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ 2022 (513 triệu USD).
Công ty cũng kiếm được doanh thu từ phí vận chuyển cáp và vệ tinh do các nhà cung cấp truyền hình cáp trả để có quyền đưa CNN vào danh sách kênh của họ. Các khoản phí này thường dựa trên số lượng thuê bao có quyền truy cập CNN thông qua dịch vụ của nhà cung cấp.
Ngoài ra, CNN cung cấp gói đăng ký kỹ thuật số cho nội dung của mình. Người đăng ký trả phí hàng tháng để truy cập nội dung cao cấp, bao gồm phát trực tiếp các chương trình phát sóng truyền hình của CNN, phim tài liệu độc quyền và các tính năng kỹ thuật số bổ sung. Đăng ký kỹ thuật số cung cấp cho CNN nguồn doanh thu định kỳ và đa dạng hóa các nguồn thu nhập.
Thậm chí, CNN còn cung cấp nội dung tin tức của mình cho các phương tiện truyền thông khác, cả trong nước và quốc tế. Nó cũng cấp phép cho nội dung của mình được sử dụng ở nhiều định dạng khác nhau, bao gồm các ấn phẩm in, trang web và chương trình phát thanh. Các thỏa thuận cung cấp và cấp phép này tạo ra doanh thu cho CNN bằng cách cho phép các tổ chức truyền thông khác sử dụng nội dung tin tức của CNN.
Với các hoạt động kinh doanh gián tiếp từ tin tức, CNN tổ chức các sự kiện, hội nghị và diễn đàn về nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm chính trị, kinh doanh và văn hóa. Những sự kiện này có thể có sự góp mặt của các diễn giả và chuyên gia nổi tiếng. Doanh thu được tạo ra thông qua việc bán vé, tài trợ và phí triển lãm. Việc tổ chức các sự kiện mang lại cho CNN cơ hội tương tác với khán giả và kiếm tiền từ kiến thức chuyên môn về báo chí của mình. CNN cũng có thể tạo doanh thu thông qua hoạt động bán hàng liên kết và bán hàng hóa, chẳng hạn như sách, phim tài liệu và các sản phẩm có thương hiệu.
Thời thế thay đổi, không còn ưu thế
Vào thời điểm CNN ra đời, việc đưa tin 24/7, bất kể sự kiện lớn hay nhỏ, là điều chưa có kênh truyền hình nào làm được. Nhưng sau khi tạo ra “cuộc cách mạng" trong truyền hình tin tức, chính CNN cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh trong ngành, với những đối thủ như Fox News hay MSNBC...Bên cạnh đó, sự bùng nổ của Internet và các trang mạng truyền thông xã hội cũng đang thay đổi thói quen sử dụng phương tiện truyền thông của người dân toàn cầu. Giống như mọi kênh tin tức khác, CNN cũng phải “vật lộn" để duy trì lượng người xem, sự chú ý của khán giả, tiền quảng cáo và vị thế trong ngành.
Trong bối cảnh doanh thu quảng cáo và những gói đăng ký truyền hình cáp, hai nguồn thu nhập chính của CNN, không còn đem lại nguồn tiền đáng kể, dưới sự điều hành của CEO thời điểm bấy giờ là ông Chris Licht, cuối năm 2022, CNN đã trải qua cuộc cắt giảm nhân sự lớn nhất trong nhiều năm. Trước đó, mạng truyền thông này cũng nhiều lần trải qua khó khăn khi vướng vào những lùm xùm đưa tin thiếu khách quan (đặc biệt với những thông tin liên quan tới bầu cử Tổng thống Mỹ), hay sự chậm trễ trong việc đưa ra một chiến lược kỹ thuật số hiệu quả (sau thất bại thảm hại của nền tảng trực tuyến CNN+ chỉ sau 1 tháng ra mắt).
Giờ đây, sau 44 năm hoạt động, phải thừa nhận rằng “gã khổng lồ" CNN cũng không tránh khỏi thời kỳ thoái trào và cần những bước thay đổi quyết liệt hơn khi tin tức thường trực không còn là ưu thế.
Chiếm sóng 'giờ vàng' CNN, CEO Vinfast hé lộ kế hoạch sau niêm yết
CNN chọn Hà Nội là điểm đến hấp dẫn trong mùa Thu
CNN: The Global City sẽ là ‘thành phố trong thành phố mới’ tại Việt Nam
- 11 phút trực tiếp trong chương trình hàng đầu kinh tế trên CNN, Vingroup đã gây ấn tượng gì với thế giới? 18/07/2020 08:40
- CNN, Reuters nói về ‘ATM gạo’ ở Việt Nam: ‘Nghe quá khó tin nhưng có thật’ 14/04/2020 09:49
- Thị trường khách sạn: Hà Nội hưởng lợi nhờ quảng cáo trên CNN, Đà Nẵng có dấu hiệu thừa cung 06/11/2019 08:58
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.