Tài chính quốc tế

Kinh doanh không thuận lợi, doanh nghiệp châu Âu kém hào hứng với thị trường Trung Quốc

(VNF) - Cảm thấy bị đối xử bất bình đẳng với các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc, thêm vào đó, lo ngại chiến tranh thương mại leo thang sẽ mang tới nhiều bất lợi, các tập đoàn châu Âu đang cân nhắc việc chuyển hướng đầu tư khỏi Trung Quốc.

Kinh doanh không thuận lợi, doanh nghiệp châu Âu kém hào hứng với thị trường Trung Quốc

Phòng thương mại EU tố cáo các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc chiếm độc quyền trong nhiều lĩnh vực.

Trong báo cáo thường niên công bố ngày 18/9, Phòng thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc tố cáo các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc chiếm độc quyền trong nhiều lĩnh vực và doanh nghiệp nước ngoài cũng không được tham gia thị trường đấu thầu của nhà nước do thiếu minh bạch và nhiều bất cập khác.

Báo cáo dài 394 trang mô tả những vấn đề mà doanh nghiệp các nước thành viên EU phải đối mặt tại Trung Quốc và đại diện cho ý kiến của khoảng 1.600 doanh nghiệp châu Âu.

Phòng thương mại EU cũng cho biết nguyên nhân gây ra chiến tranh thương mại và căng thẳng trong hệ thống kinh tế toàn cầu là sự cải cách và mở cửa của Trung Quốc chưa bắt kịp với nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng của nước này.

Trung Quốc đã có một số tiến bộ như giảm thuế hải quan, mở rộng thêm đôi chút trên thị trường tài chính và thiết bị y tế. Tuy nhiên các doanh nghiệp ngoại quốc vẫn phải cạnh tranh một cách bất bình đẳng tại Trung Quốc.

Đối với các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc kế hoạch “Con đường tơ lụa”, có đến 90% số hợp đồng rơi vào tay các công ty Trung Quốc.

Các công ty châu Âu phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, bao gồm đặc quyền mà các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc được nhận, rào cản tiếp cận thị trường và tình trạng quan liêu trong cơ quan chính phủ, bảo vệ sở hữu trí tuệ và áp lực buộc phải chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, việc siết chặt kiểm soát Internet tại Trung Quốc cũng được coi là "cơn đau đầu" với hơn một nửa doanh nghiệp châu Âu.

Báo cáo thường niên được công bố ngày 18/9 của Phòng thương mại EU tại Trung Quốc.

Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, ông Mats Harborn nhấn mạnh “gốc rễ của cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ chính là do Bắc Kinh không chịu mở cửa hoàn toàn thị trường”.

Cũng theo ông Harborn, chính quyền Bắc Kinh qua các động thái tái cấu trúc muốn làm cho các tập đoàn quốc doanh “lớn hơn và hiệu quả hơn”, nhưng trên thực tế không có lợi lộc gì cho việc chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc.

Trước đó, Bắc Kinh đã cam kết năm 2018 sẽ là năm bản lề để thực thi các cải cách hơn nữa, nhân kỷ niệm 40 năm nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình triển khai cải cách và chính sách mở cửa nền kinh tế.

Phòng thương mại EU cho biết các công ty châu Âu hoạt động tại Trung Quốc lo lắng sẽ vướng vào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và một số bắt đầu xem xét chuyển hướng sản xuất sang Đông Nam Á.

Một cuộc khảo sát do Nhóm vận động doanh nghiệp thực hiện cho thấy gần 54% trong số gần 200 công ty châu Âu trả lời rằng Mỹ đánh thuế Trung Quốc sẽ gây gián đoạn đáng kể cho chuỗi cung ứng toàn cầu và khoảng 7% đã chuyển hoặc có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Con số này có thể tăng lên khi một vài công ty vẫn đang đánh giá tác động của cuộc chiến thương mại trước khi đưa ra quyết định.

Báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 24/9 tới và sẽ tiếp tục nâng mức thuế này lên 25% từ ngày 1/1/2019.

Tổng thống Trump cũng cảnh báo sẽ kích hoạt ngay lập tức “giai đoạn 3”, nghĩa là áp thêm thuế đối với 267 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu nữa từ Trung Quốc, nếu Bắc Kinh đáp trả.

Phản ứng với động thái từ Mỹ, Trung Quốc ngày 18/9 cho biết họ sẽ áp thuế từ 5%-10% đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ ngày 24/9 tới.

Xem thêm >> Ưu tiên, dành quỹ đất cho phát triển sân bay Tân Sơn Nhất

Tin mới lên