Tài chính

Kỳ vọng gì vào cổ phiếu dầu khí?

(VNF) - Xu hướng tương đối tích cực của giá dầu là động lực chính cho kỳ vọng lạc quan vào cổ phiếu dầu khí.

Kỳ vọng gì vào cổ phiếu dầu khí?

Kỳ vọng gì vào cổ phiếu dầu khí?

Năm 2021, giới đầu tư đặt khá nhiều kỳ vọng vào cổ phiếu dầu khí, dựa trên niềm tin vào sự phục hồi kinh tế sau khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát nhờ vắc xin.

Trong báo cáo công bố gần đây, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn sẽ còn tiếp tục tác động đến tình hình cầu dầu trên toàn thế giới làm cho tình trạng dư cung vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2021 với mức dư cung dự phóng vào khoảng 1,87 triệu thùng/ngày. Giá dầu Brent kỳ vọng sẽ ở mức trung bình 60 USD/thùng trong năm 2021.

Có phần đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán VNDirect trong báo cáo phân tích ngành dầu khí mới đây đã điều chỉnh giả định giá dầu Brent trung bình năm 2021 lên 60 USD/thùng, tăng 13,2% so với giả định trước đó là 53 USD/thùng.

"Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ phục hồi nhanh hơn trong nửa cuối 2021 và đạt mức gần tương đương trước dịch là khoảng 100 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2021 (dựa trên dự báo của EIA) nhờ vào việc triển khai vắc xin trên toàn cầu và gói kích thích kinh tế của Mỹ; trong khi các tín hiệu từ phía nguồn cung cho thấy OPEC+ đang tập trung vào việc tái cân bằng thị trường dầu mỏ cũng như nỗ lực để hỗ trợ cho sự phục hồi lành mạnh của giá dầu trong năm 2021", chuyên gia của VNDirect cho hay.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) thì thận trọng hơn khi đánh giá mức giá dầu 57 USD/thùng là phù hợp để làm kịch bản cơ sở cho dự báo năm 2021 (so với mức kịch bản cơ sở cũ là 45 USD/thùng).

Xu hướng tương đối tích cực của giá dầu là động lực chính cho kỳ vọng lạc quan vào cổ phiếu dầu khí.

Nhóm chuyên gia của PHS cho rằng triển vọng của các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí) sẽ phản ứng chậm hơn với những thay đổi của giá dầu.

Năm 2020, doanh thu các công ty thượng nguồn tăng 17,5% trong khi lợi nhuận giảm 6,6% khi giá dầu Brent giảm từ 64,2 USD/thùng năm 2019 xuống còn mức trung bình 43,2 USD/thùng. Các công ty thượng nguồn đối mặt với những khó khăn khi các công ty khai thác dầu khí cắt giảm phần lớn vốn đầu tư vào các dự án mới, chỉ duy trì các dự án đã được triển khai như Sao Vàng CPP, Đại Nguyệt, GALLAF-AI Shaheen, và dự án LNG Thị Vải.

Năm 2021, mặc dù kỳ vọng giá dầu phục hồi ở mức trung bình 60 USD/thùng, tuy nhiên, PHS cho rằng các dự án đầu tư lớn sẽ chưa được thực hiện sớm trong năm 2021, các công ty thượng nguồn như PVS, PVD chỉ tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký.

Công ty chứng khoán này dự báo doanh thu và lợi nhuận các công ty thượng nguồn tăng ở mức 9% trong năm 2021, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng chậm hơn ở mức 8,2%.

Lạc quan hơn PHS, BSC đánh giá tích cực đối với các doanh nghiệp thượng nguồn như PVS, PVD, POS, nhờ kỳ vọng giá dầu hồi phục giúp gia tăng nhu cầu thăm dò, khai thác dầu khí; cùng với đó, triển vọng kinh doanh và khả năng chi trả của các chủ đầu tư/nhà điều hành mỏ cũng tốt hơn.

Đồng quan điểm, VNDirect tin rằng đà tăng của giá dầu có khả năng thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam, mang lại những cơ hội việc làm tiềm năng cho các công ty phía thượng nguồn như PVD, PVS.

Đối với các doanh nghiệp trung nguồn (xử lý phân phối khí mỏ; vận tải xăng dầu, dầu khí), chuyên gia của PHS cho hay lợi nhuận của các công ty trung nguồn nhạy cảm với giá dầu. Tuy nhiên, GAS có khả năng đàm phán giá khí và dịch vụ vận chuyển khí, giúp công ty này có mức biên lợi nhuận ổn định hơn.

Trong năm 2021, doanh thu và lợi nhuận của GAS dự báo tăng trưởng lần lượt là 12,1% và 37,4%. GAS sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đầu tư LNG (kho LNG Thị Vải bắt đầu hoạt động vào quý III/2022, ngoài ra có các kho Sơn Mỹ ở Bình Thuận, LNG Hải Phòng, Long An). Bên cạnh đó, việc khai thác các mỏ khí mới (Cá Voi Xanh, Kèn Bầu) sẽ mang lại lợi nhuận tăng trưởng ổn định cho GAS trong tương lai dài hạn.

Chuyên gia của BSC cũng bày tỏ nhận định tích cực về GAS do giá bán khí phụ thuộc trực tiếp vào giá dầu. Tương tự, các doanh nghiệp vận tải xăng dầu, dầu khí như PJT, PVP, PVT, PDV cũng có triển vọng tích cực.

GAS cũng là doanh nghiệp trung nguồn được chuyên gia của VNDirect đánh giá là sẽ hưởng lợi từ giá dầu hồi phục.

Với các doanh nghiệp hạ nguồn (lọc dầu, hóa dầu; phân phối xăng dầu; phân phối khí thấp áp), nhóm này rất nhạy cảm với biến động của giá dầu.

Năm 2021, PHS kỳ vọng doanh thu BSR đạt 96.258 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2020. Bên cạnh diễn biến thuận lợi của giá dầu, BSR cũng đã thực hiện xong đợt bảo hành định kỳ năm 2020, kỳ vọng sản lượng sẽ phục hồi 13% về mức 6,7 triệu tấn sản phẩm trong năm 2021.

Đối với các công ty phân phối xăng dầu, PHS kỳ vọng kết quả kinh doanh của PLX và OIL sẽ phục hồi trong năm 2021 khi giá dầu cải thiện, lợi nhuận sau thuế của PLX dự phóng tăng tưởng 228% trong năm nay.

BSC thì cho hay, tác động của biến động giá dầu sẽ đa chiều đối với các doanh nghiệp lọc dầu, hóa dầu như PLC, BSR.

Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp phân phối xăng dầu (PLX, OIL, PPY, PHS, POB), các doanh nghiệp phân phối khí thấp áp (PGC, PGD, PGS, PVG, CNG) sẽ có triển vọng tích cực. Các dịch vụ phụ trợ (PXS, PXT, PVB, PVC, PET) cũng sẽ có triển vọng tích cực nhưng cả trong dài hạn.

Trái ngược, các doanh nghiệp điện khí (POW, NT2) và đạm khí (DPM, DCM) có triển vọng tiêu cực do giá nguyên liệu đầu vào tăng theo giá dầu.

Chuyên gia VNDirect cũng lưu ý biên lợi nhuận của các doanh nghiệp hạ nguồn (nhà máy điện, đạm) có thể bị thu hẹp lại do áp lực tăng giá dầu.

Tin mới lên