Lai lịch gia tộc Hong Kong có thể mua lại resort casino lớn nhất Việt Nam

Mộc An - 27/07/2023 08:26 (GMT+7)

Forbes cho biết, tính tới ngày 22/2, giá trị tài sản của gia tộc Cheng đạt 28,9 tỷ USD (khoảng 684.207 tỷ đồng).

VNF

Gia tộc giàu thứ 3 Hong Kong

Mới đây, Straits Times đưa tin gia tộc tỷ phú người Hong Kong (Trung Quốc) Cheng đã nắm quyền kiểm soát khu nghỉ dưỡng casino Hoiana Resort & Golf tại tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Quyền kiểm soát được chuyển giao sau khi "vua sòng bạc" Macau Alvin Chau (chủ của công ty sở hữu cũ) đi tù từ hồi đầu năm nay.

Người đứng đầu gia tộc Cheng là Henry Cheng. Forbes cho biết, tính tới ngày 22/2, giá trị tài sản của Henry Cheng và gia đình đạt 28,9 tỷ USD (khoảng 684.207 tỷ đồng). Gia đình này là gia tộc giàu thứ 3 tại Hong Kong (số liệu năm 2023) và thứ 8 tại châu Á (số liệu năm 2017).

Nguồn tài sản của gia tộc Cheng đến từ việc sở hữu với chuỗi cửa hàng trang sức Chow Tai Fook và Tập đoàn bất động sản New World Development.

Henry Cheng sinh năm 1946 tại Hong Kong và là con cả của tỷ phú Cheng Yu-Tung.

Câu chuyện của Cheng Yu-Tung cũng khá đặc biệt. Ông này sinh năm 1925, vốn là một lao động nghèo đến Macau vào năm 1940. Cheng Yu-Tung xin vào làm việc cho một cửa hàng vàng bạc và sau đó kết hôn cùng con gái của chủ tiệm vàng.

Henry Cheng là chủ tịch của tập đoàn trang sức Chow Tai Fook (Ảnh: The Standard).

Năm 1946, vợ chồng ông đến Hong Kong lập nghiệp và mở rộng hoạt động kinh doanh của cửa hàng trang sức Chow Tai Fook - vốn được sáng lập bởi ông ngoại của Henry năm 1929.

Henry được cho theo học trường Salesian School tại Shao Kei Wan và sau đó chuyển sang học tại Canada. Tại đây ông theo đuổi sự nghiệp học hành và có bằng tiến sĩ của trường kinh doanh Richard Ivey thuộc đại học Western Ontario.

Từ trang sức đến bất động sản

Cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, Cheng Yu-Tung dùng lợi nhuận từ buôn bán trang sức để mở rộng sang hoạt động bất động sản. Ông bắt đầu mua nhiều bất động sản từ năm 1967, khi cách mạng văn hóa diễn ra tại Hong Kong.

Gia tộc Cheng bắt đầu thành lập công ty bất động sản New World Development vào năm 1970 và niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong 2 năm sau đó. Dự án nổi bật của công ty này có thể kể là khu phức hợp khách sạn văn phòng nhà ở có tên New World Centre tại Kowloon. Dự án này được xem là biểu tượng của Hong Kong vào thập niên 1980.

Henry Cheng được chỉ định vào vị trí giám đốc vào năm 1972 và trở thành giám đốc điều hành vào năm 1989. Sau khi đảm nhận điều hành hoạt động kinh doanh của gia đình, ông bắt đầu mở rộng quy mô bằng các thương vụ thâu tóm.

Năm 2012, Cheng Yu-Tung rút khỏi vị trí chủ tịch khi ở tuổi 86. Henry Cheng thay cha làm chủ tịch tập đoàn.

Hiện nay, New World Development hoạt động trong lĩnh vực bất động sản cao cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo hiểm, khách sạn. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của tập đoàn này ghi nhận 621,9 tỷ đôla Hong Kong (khoảng 1,88 triệu tỷ đồng).

Giới thiệu của New World Development (Ảnh chụp màn hình)

Đối với Chow Tai Fook, từ một cửa hàng được mở tại Bắc Kinh năm 1998 đến nay trở thành chuỗi bán lẻ trang sức lớn nhất Trung Quốc với khoảng 7.269 cửa hàng.

Số lượng của hàng Chow Tai Fook tại Trung Quốc (Nguồn: Statista).

 

Doanh nghiệp trang sức này cũng niêm yết trên sàn chứng khoán từ tháng 12/2011 bằng việc bán 10,5% cổ phần với giá 2 tỷ USD, theo số liệu của Bloomberg.

Hiện có ít nhất 9 thành viên trong gia tộc Cheng tham gia vào công việc kinh doanh. Henry Cheng có 6 người con, trong đó Adrian Cheng và Sonia Cheng là trợ thủ đắc lực.

Henry Cheng (thứ 2 từ bên trái), Adrian Cheng (thứ 2 từ bên phải) và Sonia Cheng (ở giữa) (Ảnh: Tatler Asia).

Adrian Cheng - con trai cả của Henry Cheng - đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của New World Development từ năm 2017. Sonia Cheng là CEO của tập đoàn khách sạn Rosewood - doanh nghiệp được New World mua lại vào năm 2011. Cả 2 đều tốt nghiệp đại học Harvard.

Theo Dân Trí
Cùng chuyên mục
Tin khác