Lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng mới nhất: Tăng mạnh, cao nhất lên đến 8,9%/năm

Quốc Quân - 15/08/2018 14:38 (GMT+7)

(VNF) - Mới đây, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,2% đến 0,3%/năm. Sự điều chỉnh này diễn ra trong bối cảnh tỷ giá và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh.

VNF
Mới đây, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,2% đến 0,3%/năm

Lãi suất tiết kiệm cao nhất lên đến 8,9%/năm

Từ đầu tháng 8/2018, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động.

Cụ thể, Techcombank đã thay đổi biểu lãi suất tiền gửi theo hướng tăng mạnh đối với nhiều kỳ hạn. Lãi suất cũng được điều chỉnh tùy thuộc vào giá trị tiền gửi theo hướng khách hàng gửi càng nhiều lãi suất càng cao.

Khách hàng mở mới sổ tiết kiệm (khách hàng ưu tiên) lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng là 4,7%/năm, tăng 0,2%/năm so với tháng trước. Với khách hàng gửi trên 3 tỷ đồng, cũng kỳ hạn 1-2 tháng, lãi suất sẽ là 5%/năm.

Ở kỳ hạn dài 12 tháng, Techcombank tăng lãi suất huy động tới mức 0,5%/năm, tùy thuộc vào đối tượng khách hàng và số lượng tiền gửi. Cụ thể, khách hàng mới mở sổ tiết kiệm dưới 1 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng sẽ được hưởng lãi suất 6,6%/năm, nhưng gửi từ 3 tỷ đồng trở lên lãi suất là 6,9%/năm.

Các ngân hàng khác như VPBank, ACB cũng điều chỉnh lãi suất huy động tăng 0,1%-0,2%/năm so với tháng 7, chủ yếu ở các kỳ hạn dài.

Với các kỳ hạn từ 6-11 tháng, VPBank tăng lãi suất huy động lên 6,7%/năm, thêm 0,2%/năm so với tháng trước.  Các kỳ hạn dài từ 12-15 tháng trở lên cũng tăng lên 7,1%/năm.

Còn ACB thì áp dụng nhiều mức lãi suất linh hoạt, khuyến khích khách hàng gửi khoản tiền lớn và thời gian dài. Khách hàng gửi dưới 200 triệu đồng, kỳ hạn 15 tháng lãi suất chỉ 6,7%/năm, nhưng gửi từ 1 tỷ đồng ACB tăng lãi suất tới 7%/năm…

Ngoài ra, rất nhiều ngân hàng thương mại chi trả mức lãi suất tiết kiệm từ 7,5% đến 8%/năm cho các khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài từ 12 tháng.

Các ngân hàng cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mại nhằm khuyến khích người dân gửi tiền.

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh

Đà tăng của lãi suất liên ngân hàng được cho là 1 trong những lý do để các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi.

Theo báo cáo thị trường tiền tệ của SSI Retail Research, tuần từ 6/8 -10/8, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã hụt đi khá nhiều bởi NHNN hút mạnh gần 60.000 tỷ đồng tuần trước đó.

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trở lại với lãi suất qua đêm gấp đôi so với cuối tuần trước và gần bằng lãi suất vay OMO (4,75%). Cụ thể, đến ngày 10/8, lãi suất qua đêm tăng 2,28 điểm phần trăm lên 4,42%. Lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tuần đều tăng gấp 1,9 và 1,7 lần thời điểm một tuần trước đó. Chênh lệch giữa lãi suất kỳ hạn qua đêm và 3 tháng đã thu hẹp đáng kể xuống còn 27 điểm cơ bản, từ mức 278 điểm cơ bản (1/8).

NHNN đã trở lại bơm ròng 14.396 tỷ đồng trong tuần. Trong đó khối lượng tín phiếu và OMO đang lưu hành tương ứng là 9.731 tỷ và 4.096 tỷ đồng.

Cụ thể, khối lượng tín phiếu phát hành tuần này giảm chỉ còn 3.400 tỷ đồng cho 2 kỳ hạn 7 và 140 ngày với lãi suất không thay đổi so với tuần trước. Trong khi đó, lượng tín phiếu đáo hạn là 13.700 tỷ đồng. Ngoài ra, để hỗ trợ thanh khoản cho những đối tượng có nhu cầu, 4.096 tỷ OMO đã được NHNN cho vay.

Không chỉ tại các giao dịch liên ngân hàng, lãi suất thị trường trái phiếu sơ cấp và thứ cấp đều tăng. Trong tuần qua, do lực cầu yếu, KBNN đã ngừng gọi thầu trái phiếu các kỳ hạn dài 20 và 30 năm và chuyển sang các kỳ hạn ngắn hơn là 5, 7, 10 và 15 năm với tổng giá trị 6.200 tỷ đồng.

Cầu vẫn tập trung chủ yếu vào hai kỳ hạn 10 và 15 năm. Nhờ Kho bạc Nhà nước tiếp tục nâng lãi suất thêm 3 điểm cơ bản cho mỗi kỳ hạn, tỷ lệ trúng thầu đạt gần 64% với khối lượng trúng thầu đạt 2.150 tỷ và 1.800 tỷ cho 2 kỳ hạn.

Hút vốn để chuẩn bị cho nhu cầu tăng vốn cuối năm

Một số chuyên gia còn lý giải về việc các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi là để chuẩn bị cho nhu cầu tín dụng những quý cuối năm thường có xu hướng tăng cao. Đặc biệt là cho vay ngắn hạn để phục vụ nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, động thái tăng lãi suất huy động để hút nguồn vốn của các ngân hàng năm nay sớm hơn so với diễn biến thông thường mọi năm.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhận định việc một số NH thương mại tăng lãi suất huy động gần đây nhằm đẩy mạnh huy động vốn, phục vụ nhu cầu cho vay cuối năm thường tăng cao. Cộng thêm tốc độ tăng trưởng tín dụng đang nhanh hơn huy động nên việc nhích lãi suất tiền gửi lên để thu hút thêm nguồn vốn từ dân cư là dễ hiểu.

"Các Ngân hàng cần thêm nguồn vốn huy động để vừa bảo đảm thanh khoản cuối năm, khi nhu cầu tín dụng tăng hơn, cũng như đáp ứng yêu cầu về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay - trung - dài hạn sẽ giảm xuống mức 40% từ đầu năm sau theo quy định" - TS Cấn Văn Lực nói.

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến hết tháng 10/2017, tín dụng toàn hệ thống (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) ước tăng khoảng 13,5% so với cuối năm 2016. Trong khi đó, huy động vốn 10 tháng đầu năm giảm ước tăng 12% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 14,7%).

Cuối quý II, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã rục rịch xin nới room tín dụng vì dư địa cho vay còn nhiều mà các ngân hàng đã cạn room tín dụng.

Theo các chuyên gia, xu hướng lãi suất huy động những tháng cuối năm cơ bản ổn định, có thể có "sóng" vào một vài thời điểm nhưng mang tính nhất thời. Còn thanh khoản của hệ thống NH vẫn ổn định nên không quá lo lắng. PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhìn nhận đà tăng lãi suất sẽ không bị đẩy lên quá cao nếu NH Nhà nước tiếp tục ổn định tỉ giá như thời gian qua và không có những cú sốc từ bên ngoài.

Việc một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,2%-0,3%/năm theo tôi tác động chưa lớn đến cả thị trường, khó thành xu hướng có thể gây áp lực lên lãi suất cho vay

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở phía Nam cho rằng, về mặt chính sách, chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước và các nhà băng thương mại là cố gắng hạ lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tại buổi làm việc với UBND và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM hôm 10/8, Phó thống đốc Đào Minh Tú đưa ra thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như ổn định lãi suất cho vay, cho vay các lĩnh vực ưu tiên và các lĩnh vực đột phá và được đa số các nhà băng bày tỏ sự đồng thuận.

Đại diện lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng việc giảm lãi suất cho vay chỉ nên tính toán ở một số lĩnh vực, ngành nghề. Về cơ bản duy trì sự ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay như hiện nay là phù hợp với các diễn biến vĩ mô của nền kinh tế và đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Trong các tháng cuối năm, Phó thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM và các nhà băng trên địa bàn tiếp tục tập trung vào hoạt động tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất và chưa đặt ra yêu cầu tăng hoặc giảm lãi suất huy động và cho vay.

Cùng chuyên mục
Tin khác