(VNF) - Toàn bộ nhóm Big4 (VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank) đều hạ lãi suất huy động cao nhất xuống còn 5,5%/năm - ngang mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn Covid-19. Lãi suất huy động các kỳ hạn của nhiều ngân hàng đã về dưới 6%/năm.
Hôm nay (19/9), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) công bố biểu lãi suất huy động mới với mức giảm từ 0,2-0,3 điểm % tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên.
Theo đó, lãi suất các kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 3,8%/năm xuống 3,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 4,7%/năm xuống 4,5%/năm. Các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng giảm 0,3 điểm %, đưa mức lãi suất huy động cao nhất về còn 5,5%/năm.
Trước đó, từ ngày 14/9, Vietcombank và Agribank đã giảm 0,2-0,3 điểm % lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn, đưa lãi suất cao nhất còn 5,5%/năm. Đến ngày 18/9, BIDV cũng giảm 0,2-0,3 điểm % ở hàng loạt kỳ hạn.
Như vậy, toàn bộ nhóm 4 ngân hàng quốc doanh đều đã giảm lãi suất huy động cao nhất xuống còn 5,5%/năm - ngang mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn Covid-19. Hiện lãi suất ở các kỳ hạn của 4 ngân hàng này khá tương đồng, chỉ có một số khác biệt ở hình thức tiết kiệm online nhưng không đáng kể.
Không chỉ ở nhóm Big4, lãi suất huy động còn ồ ạt giảm tại các ngân hàng cổ phần tư nhân, có ngân hàng giảm tới 2 lần từ đầu tháng.
Đơn cử, hôm nay, Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) lần thứ hai trong tháng điều chỉnh giảm lãi suất huy động với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Theo biểu lãi suất huy động online tại Nam A Bank, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,4 điểm % xuống 5,6%/năm; kỳ hạn từ 7-11 tháng giảm 0,5 điểm % xuống còn 5,9%/năm; kỳ hạn 12-14 tháng giảm 0,2 điểm % xuống 6,3%/năm.
Tương tự, Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) công bố giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6-36 tháng kể với mức giảm 0,15 điểm % kể từ 19/9.
Từ đầu tháng 9 đến nay đã có 26 ngân hàng giảm lãi suất huy động. Trong đó, MB, OCB, ACB, Techconbank, Eximbank, Nam A Bank và GPBank đã hai lần giảm lãi suất kể từ đầu tháng.
Bên cạnh nhóm Big 4, hiện có nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng đã đưa lãi suất huy động các kỳ hạn về dưới 6%/năm. Chẳng hạn: KienLong Bank, ACB, MB, SeABank, VPBank, MSB, Eximbank, GPBank và TPBank.
Lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm mạnh thời gian qua do tình trạng dư thừa thanh khoản. Hiện mặt bằng lãi suất huy động đã tiến sát xuống mức thấp trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Các ngân hàng đều niêm yết lãi suất dưới 7%/năm. Nhóm Big 4 và các ngân hàng tư nhân lớn đã điều chỉnh xuống dưới 6%/năm (kỳ hạn 12 tháng).
Giới chuyên gia nhận định, việc lãi suất huy động đi xuống sẽ tạo điều kiện giúp cho lãi suất đi vay hạ dần, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thời gian tới.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone