Lãi suất tăng, gửi tiền tỷ vào ngân hàng nào lợi nhất?

Linh Anh - 19/09/2022 08:39 (GMT+7)

(VNF) - Mặt bằng lãi suất huy động trong tháng 9 tiếp tục được nâng thêm. Mức lãi suất cao nhất mà khách hàng có thể nhận được hiện nay lên tới 8,8%/năm tại ABBank nhưng đi kèm điều kiện về số tiền gửi tối thiểu tới 1.500 tỷ đồng cho kỳ hạn 13 tháng.

VNF
Gửi tiết kiệm online đang được hưởng nhiều ưu đãi hơn gửi tại quầy.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức bổ sung hạn mức tín dụng từ 1 - 4% cho khoảng 15 ngân hàng thương mại.

Tuy vậy, mức điều chỉnh này thấp hơn so với kỳ vọng của nhiều thành viên ngân hàng. Do đó, các ngân hàng vẫn rầm rộ tăng lãi suất huy động khiến mặt bằng lãi suất tiết kiệm lại được nâng lên một mức cao mới trong tháng 9/2022.

Điển hình, Sacombank tăng lãi suất huy động một số kỳ hạn từ 0,1 - 0,2%/năm. ACB cũng tăng lãi suất huy động thêm 0,1%/năm tại một số kỳ hạn. Tương tự, MB tăng lãi suất thêm từ 0,2 - 0,95%/năm cho nhiều kỳ hạn. BacABank cũng tăng từ 0,1 - 0,15%/năm lãi suất tiền gửi ở tất cả kỳ hạn. ABBank cũng điều chỉnh tăng 0,7 - 0,9% lãi suất ở một số kỳ hạn.

Trong khi đó, NamABank lại tăng mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng với hình thức gửi trực tuyến thêm 0,3 điểm %, lên mức 6,9%/năm. VIB cũng tăng lãi suất huy động thêm 0,1%/năm ở một số kỳ hạn đối với hình thức gửi trực tuyến.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất huy động từ đầu năm tới tháng 8 tại nhiều ngân hàng đã tăng từ 0,8 - 1%/năm.

Mặc dù lãi suất huy động tăng cao nhưng nhiều chuyên gia vẫn đưa ra dự báo lãi suất sẽ còn tăng trong những tháng cuối năm.

Công ty Chứng khoán SSI dự báo, lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,5 - 0,7 điểm phần trăm sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Tính cả năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng 1 - 1,5 điểm phần trăm.

Còn Công ty Cổ phần Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, lãi suất huy động sẽ tăng thêm khoảng 0,5% trong nửa cuối năm nay, để bổ sung nguồn vốn cho vay.

Có thể thấy, trong vài tháng trở lại đây, trong khi những kênh đầu tư truyền thống như vàng, chứng khoán hay bất động sản không còn hấp dẫn với nhiều người thì gửi tiết kiệm lại nổi lên là kênh đầu tư ổn định, an toàn và sinh lời cao. Tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đang có xu hướng tăng cao trong bối cảnh lãi suất huy động ngày càng tăng lên.

Lãi suất huy động tại các ngân hàng hiện dao động từ 3,1 - 8,8%, tùy từng kỳ hạn và ngân hàng. Bảng xếp hạng lãi suất tiền gửi cao nhất trong tháng 9 cũng có sự xáo trộn so với tháng trước.

Trong đó, ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay là ABBank với mức lãi suất tới 8,8%/năm. Nhưng để nhận được mức lãi suất này, khách hàng cần có khoản tiền gửi 1.500 tỷ đồng trở lên cho kỳ hạn 13 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ.

Ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao thứ 2 là SCB với mức lãi suất 7,6%/năm. Song mức lãi này chỉ áp dụng cho món tiền gửi có số dư từ 500 tỷ đồng trở lên với kỳ hạn 13 tháng.

Một số ngân hàng khác cũng đang áp dụng mức lãi suất huy động rất hấp dẫn và không có đính kèm bất cứ điều kiện nào về số tiền gửi tối thiểu. Chẳng hạn, CBBank đưa ra mức lãi suất tới từ 7,1 - 7,5%/năm cho kỳ hạn từ 6 - 36 tháng. Ngân hàng Đông Á cũng đang áp dụng mức lãi suất 7,2 - 7,6%/năm cho các kỳ hạn từ 12 - 36 tháng.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng đang có lãi suất huy động tương đối cạnh tranh như Saigonbank (7,3%/năm), Bản Việt (7,1%/năm), BacABank (7%/năm), NCB (7%/năm), OCB (7%/năm), PGBank (7%/năm)...

Có thể thấy, mức lãi suất từ 7%/năm trở lên hiện đã không còn hiếm trên thị trường. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng ở những ngân hàng quy mô nhỏ cho các kỳ hạn dài.

Còn nhóm ngân hàng quốc doanh và ngân hàng cổ phần cỡ lớn có mức lãi suất thấp hơn rất nhiều. Bốn "ông lớn" ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) có mức lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất chỉ 5,6%/năm. Nếu gửi online, lãi suất huy động tối đa tại các ngân hàng này cũng chỉ tới 5,8%/năm.

Cùng chuyên mục
Tin khác