Lãi suất xuống đáy lịch sử, ngân hàng vẫn thu lợi nhuận tỷ USD

Mai Anh - 14/01/2024 15:54 (GMT+7)

(VNF) - Lãi suất huy động tiếp tục lao dốc và lập đáy mới ở mức 1,7%/năm. Dù kinh tế khó khăn nhưng nhiều ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận tăng vọt trong năm 2023. Lần đầu tiên, lợi nhuận nhóm Big 4 đều đạt tỷ USD. Đó là những thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

VNF

Lãi suất huy động lao xuống đáy mới

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm tiếp tục lao dốc và lập đáy mới ở mức 1,7%/năm. Vietcombank là ngân hàng đi đầu trong việc giảm lãi suất huy động và luôn duy trì ở mức thấp nhất trên thị trường. 

Lãi suất huy động năm 2023 đã trải qua những đợt giảm hiếm thấy trong lịch sử. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính chung cả năm 2023, lãi suất huy động đã giảm bình quân 2,5-3% so với đầu năm. So với giai đoạn Covid-19, lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng đang thấp hơn khoảng 0,5%, nhưng lại tương đồng ở kỳ hạn 6-9 tháng.

Nhiều chuyên gia nhận định, trong năm 2024, cầu tín dụng tăng có thể buộc ngân hàng tăng lãi suất huy động trở lại để hút vốn trong khi một số cho rằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế.

>> Xem thêmLãi suất lao xuống đáy mới, cả năm 2024 khó hy vọng tăng lên

Lợi nhuận nhóm big 4 đều đạt tỷ USD

Bất chấp kinh tế khó khăn nhưng nhiều ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận tăng vọt trong năm 2023. Đáng chú ý, năm qua, lần đầu tiên trong lịch sử, lợi nhuận nhóm Big 4 đều đạt tỷ USD.

Tính chung, tổng lợi nhuận riêng lẻ trước thuế của nhóm Big4 đạt hơn 115.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD. Ước tính, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của nhóm này có thể đạt gần 5 tỷ USD trong năm 2023.

Câu lạc bộ tỷ USD sẽ có thêm những tên tuổi cổ phần tư nhân lớn góp mặt. Các chuyên gia đánh giá tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2023 giảm nhẹ so với năm 2022. Nhưng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trong năm 2024 nhờ NIM tăng khi lãi suất tiền gửi sẽ điều chỉnh về vùng lãi suất thấp nhanh hơn so với lãi suất các khoản cho vay.

>> Xem thêmLợi nhuận ngân hàng 2023: Câu lạc bộ tỷ USD, big 4 chờ đón thêm thành viên

Lãi suất thấp, dân vẫn ngại vay tiền mua nhà

Hiện lãi suất ưu đãi vay mua nhà dao động từ 5-10,5%năm. Lãi suất cho vay mua nhà giảm mạnh nhưng nhiều người dân vẫn e ngại vay tiền mua nhà do giá nhà tăng mạnh và lo ngại 'bẫy' lãi suất thả nổi gia tăng sau thời gian ưu đãi.

Bên cạnh đó, giá nhà đất và chung cư cũng tăng mạnh, càng giảm đi cơ hội mua nhà của người dân, nhất là trong bối cảnh thu nhập của họ giảm sút.

>> Xem thêmNgân hàng chào lãi suất thấp: Sợ mắc 'bẫy', dân ngại vay tiền mua nhà

Ngân hàng rao bán biệt thự sang, căn hộ dát vàng thu nợ xấu

Cận Tết, làn sóng phát mãi được thúc đẩy mạnh. Đáng lưu ý, nhiều ngân hàng đại hạ giá nhà siêu sang, căn hộ dát vàng để xử lý nợ nhưng vẫn ế ẩm.

Theo giới chuyên gia, kinh tế khó khăn, sức mua giảm và giá trị tài sản cũng giảm là những nguyên nhân khiến việc phát mại vốn đã khó càng khó. Dù được giảm giá nhưng tài sản phát mại vẫn ế, một phần do việc định giá tài sản không dựa theo giá trị thực tế.

>> Xem thêmĐại gia tháo chạy: nghìn tỷ mắc kẹt trong biệt thự sang, căn hộ dát vàng



SCB tiếp tục đóng cửa thêm 5 phòng giao dịch

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đóng cửa thêm 5 phòng giao dịch tại TP.HCM và Đà Nẵng từ đầu tháng 1.

Theo thống kê từ website của SCB, từ khi bị kiểm soát đặc biệt đến nay, ngân hàng này đã thông báo đóng cửa tổng cộng 52 phòng giao dịch tại 9 tỉnh, thành phố, tức hơn 1/4 số điểm giao dịch.

>> Xem thêmSCB tiếp tục đóng cửa thêm 5 phòng giao dịch từ đầu tháng 1/2024

Thủ tướng: Ngân hàng 'không để Chính phủ bị động, doanh nghiệp thiếu vốn'

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý ngành ngân hàng cần phải chia sẻ với doanh nghiệp và người dân, không được để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng "không để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ, không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ, không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, không để tiêu cực, tham nhũng, sơ hở trong quản lý hệ thống ngân hàng”.

>> Xem thêmThủ tướng: Ngân hàng 'không để Chính phủ bị động, doanh nghiệp thiếu vốn'

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, đưa nợ xấu về dưới 3%

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 ngày 8/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, trong 2023, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được triển khai để cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 5%. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Năm 2024 sẽ tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro để hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh tạo động lực cho tăng trưởng bền vững.

>> Xem thêmThống đốc Nguyễn Thị Hồng: Kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, đưa nợ xấu về dưới 3%

Nỗi lo Thông tư 02 hết hạn: Nợ xấu lên gần 5%, ngân hàng 'đòi' kéo dài thêm

Thông tư 02 được NHNN chính thức ban hành vào cuối tháng 4/2023, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Thông tư này sẽ hết hiệu lực vào tháng 6/2024.

Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đã phát huy được tác dụng trong năm qua, góp phần vào việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc gia hạn Thông tư 02 cần xem xét kỹ lưỡng để tránh những rủi ro tiềm ẩn.

>> Xem thêmNỗi lo Thông tư 02 hết hạn: Nợ xấu lên gần 5%, ngân hàng 'đòi' kéo dài thêm

Nhà đất và trái phiếu bế tắc: Gửi tiền ngân hàng hay rút ra mua vàng?

Trong năm 2023, trong khi thị trường chứng khoán kém hấp dẫn hơn, bất động sản chưa phục hồi,... dòng tiền của nhà đầu tư đã chảy mạnh về kênh tiền gửi bất chấp xu hướng giảm lãi suất liên tục từ các nhà băng.

Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2024 còn đối mặt nhiều thách thức, song cũng có không ít cơ hội. Người có tiền nhàn rỗi nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định rót tiền vào đâu. Đầu tư vào chứng khoán đòi hỏi phải có kiến thức nhất định, bất động sản phải có vốn lớn, vàng và USD thì nhiều biến động.

Việc đầu tư vào lĩnh vực nào phụ thuộc chủ yếu vào tình hình tài chính, kiến thức, kinh nghiệm của từng cá nhân. Và điều quan trọng nhất là tuỳ theo khẩu vị rủi ro của mỗi người nhưng không nên "bỏ trứng vào một giỏ".

>> Xem thêmNhà đất và trái phiếu bế tắc: Gửi tiền ngân hàng hay rút ra mua vàng?

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.