Ngân hàng

Lạm phát thấp, dịch bệnh phức tạp, Ngân hàng Nhà nước có nới lỏng hơn chính sách tiền tệ?

(VNF) - Chính sách tiền tệ thận trọng và mang tính hỗ trợ vừa phải của Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì, dù lạm phát thấp và dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Lạm phát thấp, dịch bệnh phức tạp, Ngân hàng Nhà nước có nới lỏng hơn chính sách tiền tệ?

Lạm phát thấp, dịch bệnh phức tạp, Ngân hàng Nhà nước có nới lỏng hơn chính sách tiền tệ?

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng cho một loạt ngân hàng, chẳng hạn MB được nới room từ 10,5% lên 15%, VPBank được nới từ 8,5% lên 12,1%... Động thái này được diễn ra giữa bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

"Nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế trước tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, đồng thời không chủ quan với rủi ro lạm phát, song song với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách tiền tệ khác, NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) đảm bảo nguyên tắc nhất quán để đạt được mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và thực hiện chủ trương của Chính phủ "vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế" ", phía NHNN cho biết.

Cơ quan này nhấn mạnh việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của TCTD, đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD; ưu tiên đối với TCTD thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân.

Động thái nới room tín dụng cho các ngân hàng, đặt trong bối cảnh lạm phát thấp cùng tác động tiêu cực của đại dịch đến nền kinh tế, làm tăng thêm kỳ vọng về việc NHNN sẽ nới lỏng hơn chính sách tiền tệ.

Theo khảo sát của NHNN về kết quả điều tra kỳ vọng lạm phát tháng 7/2021, các TCTD kỳ vọng lạm phát bình quân năm 2021 so với bình quân năm 2020 sẽ ở mức 3,03%.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô công bố mới đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã hạ dự báo lạm phát năm 2021 xuống 3,2%, từ mức dự báo 3,8% trước đó. Động thái điều chỉnh này phản ánh nhu cầu tiêu thụ trong nước suy yếu do tác động của đợt dịch hiện tại, kết hợp với việc đà tăng của giá hàng hoá chững lại sau giai đoạn tăng mạnh từ đầu năm đến giữa quý II, trong khi giá thịt lợn hơi tiếp tục xu hướng đi xuống.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô công bố gần đây cũng kỳ vọng lạm phát bình quân năm 2021 chỉ ở mức 3%.

Tất cả các dự báo trên đều thấp hơn nhiều mục tiêu lạm phát dưới 4% mà Chính phủ đề ra.

Mặc dù lạm phát thấp, đại dịch tác động tiêu cực đến nền kinh tế, nhưng KBSV không cho rằng NHNN sẽ thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ hiện tại với mức độ hỗ trợ vừa phải (tập trung vào việc duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp), còn tăng trưởng tín dụng mục tiêu sẽ ổn định tương đương mức tăng giai đoạn trước dịch (quanh 12%-14%).

Thậm chí mức tăng trưởng tín dụng trên còn gặp không ít thách thức.

"Trong khi nguồn cung tín dụng sẽ không có biến động đáng kể với chính sách điều hành thận trọng xuyên suốt và mang tính hỗ trợ vừa phải của NHNN, cầu tín dụng nhiều khả năng sẽ chịu tác động tiêu cực bởi làn sóng Covid-19 hiện tại. Các số liệu về hoạt động sản xuất và tiêu dùng đã cho thấy sự suy yếu trong tháng 6 và không loại trừ khả năng tiếp tục sụt giảm trong quý III hoặc các quý về sau nếu dịch bệnh không được đẩy lui. Kịch bản tiêu cực nhất là dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng sẽ chỉ đạt trong khoảng 7-8%", chuyên gia của KBSV cho hay.

Lãi suất trước mắt được dự đoán sẽ tiếp tục ổn định ở mặt bằng thấp, một phần do tăng trưởng tín dụng trở nên khó khăn hơn, một phần nhờ vào lượng lớn tiền VND (ước tính vào khoảng 175.000 tỷ đồng) sẽ chảy vào thanh khoản hệ thống vào đầu quý III thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn USD được tiến hành vào đầu năm, giúp thanh khoản hệ thống quay trở lại trạng thái dồi dào, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt và kênh thị trường mở (OMO) sẽ tiếp tục không được sử dụng thường xuyên trong nửa cuối năm.

Dù vậy, theo KBSV, việc lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2021 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và có thể khiến lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài sẽ nhích nhẹ 0,1-0,25%.

Xa hơn, trong báo cáo vĩ mô công bố gần đây, VCSC dự báo NHNN sẽ nâng trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng lên 4,2%/năm vào năm 2022 và tiếp tục nâng lên 4,7%/năm vào năm 2023, từ mức 4% hiện nay.

Tin mới lên