Thị trường

Làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc: Việt Nam chỉ đón được dệt may, da giày, lắp ráp điện tử

(VNF) – Theo NCIF, những ngành có khả năng dịch chuyển đầu tư lớn nhất gồm: dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, máy móc thiết bị cơ khí và dịch vụ logistics. Những ngành có động cơ dịch chuyển lớn nhưng khó thực hiện là dược phẩm, điện tử tiêu dùng và hàng công nghệ.

Làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc: Việt Nam chỉ đón được dệt may, da giày, lắp ráp điện tử

Làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc: Việt Nam chỉ đón được dệt may, da giày, lắp ráp điện tử

Sóng dịch chuyển sẽ mạnh hơn trong giai đoạn 2021 - 2025

Trong báo cáo về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) đã đề cập tới quá trình dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc.

Theo NCIF, tiếp theo xu hướng trước đây (Trung Quốc + 1), việc dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc đã được đẩy mạnh trong 2 năm qua nhờ tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19.

Các xu hướng định hình chuỗi cung ứng có thể kể đến bốn xu hướng chính sách dịch gồm: rút ngắn chuỗi (reshoring), đa dạng chuỗi (diversification), khu vực hóa chuỗi (regionalization) và nhân rộng chuỗi (replication).

Tùy vào mỗi nhóm ngành cụ thể và mức độ tự động hóa, số hóa, các diễn biến chuỗi có thể khác nhau. Nhưng năm 2021, khi rủi ro từ Covid-19 vẫn lớn, khả năng hiện thực hóa việc dịch chuyển này vẫn có thể chậm.

“Dịch chuyển chỉ có thể được đẩy mạnh khi trong giai đoạn 2021-2025, dịch Covid-19 được kiểm soát”, NCIF nhận xét.

Đáng chú ý, dựa vào phương pháp cho điểm và cách tiếp cận của Ben Aylor (2020), NICF xây dựng sơ đồ về khả năng dịch chuyển chuỗi cung ứng theo ngành gồm hai trục là: động cơ dịch chuyển (gồm giảm chi phí, tránh thuế, giảm rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, chính sách khuyến khích dịch chuyển của các nước) và mức độ dễ dàng trong việc dịch chuyển (dựa trên các yếu tố như mức độ thâm dụng công nghệ và lao động của ngành; năng lực của các đối tác thay thế, chi phí của việc dịch chuyển và sự níu kéo của thị trường hiện tại).

Theo đó, những ngành có khả năng dịch chuyển lớn nhất là dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, máy móc thiết bị cơ khí và dịch vụ logistics.

Những ngành có động cơ dịch chuyển lớn nhưng không dễ dàng dịch chuyển là dược phẩm, điện tử tiêu dùng và hàng công nghệ. Nguyên do của việc không dễ dịch chuyển là khó tìm kiếm nguồn cung thay thế bên ngoài đáp ứng được yêu cầu về công nghệ, hạ tầng và trình độ nhân lực (đối với xu hướng dịch chuyển hàng điện tử, công nghệ cao ra khỏi Trung Quốc).

Với Việt Nam, NCIF nhận định Việt Nam có nhiều thuận lợi cho việc đón sóng dịch chuyển chuỗi như: sự thành công trong kiểm soát dịch bệnh; triển vọng tăng trưởng tốt; chi phí lao động thấp; các FTA thế hệ mới; vị trí gần Trung Quốc; sự gia tăng của tầng lớp trung lưu thúc đẩy tiêu dùng nội địa; sự sẵn có của các khu công nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh; cơ hội phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhờ năng suất lao động tương đối cao và số lượng doanh nghiệp đáng kể trong một số ngành đầu vào (sản xuất kim loại, cao su, sợi tổng hợp).

Tuy nhiên, Việt Nam cũng có nhiều rao rào cản trong dịch chuyển như: trình độ công nghệ và lao động hạn chế, chi phí lao động hiện thấp nhưng có xu hướng tăng nhanh và không tương thích với mức tăng năng suất lao động, cơ sở hạ tầng chưa phát triển…

Các rào cản vi mô khác gồm: năng suất lao động của các doanh nghiệp trong các ngành  tương đối thấp, các hoạt động sản xuất chủ yếu là gia công, lắp ráp…

Việc dịch chuyển khỏi Trung Quốc sẽ không thể là một làn sóng lớn trong trung và dài hạn

Đánh giá về sự dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng: việc dịch chuyển sẽ không diễn ra ngay lập tức, chưa thể tạo ra một làn sóng lớn trên phạm vi toàn cầu và trong khu vực, ít nhất trong trung và dài hạn.

Có 3 nguyên nhân chủ yếu được CIEM đưa ra:

Thứ nhất, chưa quốc gia nào hay địa bàn nào có khả năng thay thế hoàn toàn Trung Quốc trong chuỗi cung ứng – sản xuất toàn cầu. Trung Quốc là một thị trường tiêu dùng khổng lồ và có lợi thế sản xuất nhờ quy mô, có cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, hệ thống logistics hoàn thiện, công nghiệp phụ trợ tốt, đội ngũ công nhân lành nghề, cũng như hệ sinh thái cung ứng công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của Mỹ, châu Âu… về quy mô sản xuất lớn.

Thứ hai, các chuỗi cung ứng toàn cầu đã được hoàn thiện nên không thể nhanh chóng chuyển dịch. Nhiều tập đoàn lớn có gắn kết lợi ích chặt chẽ với Trung Quốc cả về thị trường và sản xuất, đã xây dựng cơ sở sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng tại Trung Quốc trong hàng thập kỷ, nên không thể rời bỏ Trung Quốc trong ngắn hạn do chi phí lớn, rủi ro cao.

Thêm vào đó, quá trình dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc của một số tập đoàn như Nike, Samsung đã diễn ra trong nhiều năm, dư địa dịch chuyển sang các quốc gia khác được cho là hạn hẹp hơn nhiều.

Ngay cả các tập đoàn lớn của Mỹ (thuộc nhóm Fortune 500) có thể vẫn chưa sẵn sàng dịch chuyển toàn bộ hoặc phần lớn sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Theo điều tra của Phòng thương mại Mỹ, Nhật Bản và EU tại Trung Quốc, hơn 70% doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc không có kế hoạch rút khỏi Trung Quốc; 40% có chiến lược chuỗi cung ứng lâu dài tại Trung Quốc sẽ không thay đổi kế hoạch dù tác động của Covid-19 và 52% doanh nghiệp này cho rằng còn quá sớm để điều chỉnh kế hoạch.

90% doanh nghiệp Nhật Bản ở miền đông Trung Quốc không có kế hoạch rút khỏi Trung Quốc; chỉ dưới 10% doanh nghiệp có kế hoạch chuyển sản xuất về nước, còn lại chủ yếu đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc.

Các tập đoàn có khả năng dịch chuyển lớn nhất khỏi Trung Quốc chủ yếu gồm các tập đoàn muốn phân tán rủi ro và tối ưu hóa chi phí hoặc các tập đoàn chịu tác động trực tiếp của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc cũng tăng cường các biện pháp giữ chân nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ hàng đầu thông qua các biện pháp: đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư; thực hiện Luật đầu tư nước ngoài sửa đổi; mở rộng mô hình thí điểm khu thương mại tự do với nhiều ưu đãi; nới lỏng hạn chế đối với đầu tư nước ngoài thông qua giảm danh mục hạn chế đầu tư, đẩy nhanh quá trình mở cửa cho các lĩnh vực dịch vụ, chế tạo, tài chính, sản xuất nông nghiệp, giáo dục…

Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng thông tin, đặc biệt ứng dụng 5G; tăng cường hợp tác kinh tế khu vực với trọng tâm là Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc, ASEAN+1, ASEAN+3, RCEP; xây dựng các quy định, rào cản kỹ thuật hạn chế nhà đầu tư rút vốn và dịch chuyển khỏi Trung Quốc…

Tin mới lên