Lãnh đạo Cục Hàng không: Cẩn trọng khi phê duyệt cảng hàng không Sa Pa

Trí Anh - 06/08/2018 15:44 (GMT+7)

(VNF) - Liên quan đến việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đề xuất xây dựng Cảng hàng không Sa Pa với tổng mức đầu tư gần 5.800 tỷ đồng, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng cần nghiên cứu cẩn trọng để đánh giá sự cần thiết và tính hiệu quả của dự án này.

VNF
Ảnh minh hoạ

Trao đổi với VietnamFinance, ông Cường cho biết, Cảng hàng không Sapa cần có sự đánh giá nghiên cứu cụ thể về tác động của các loại hình vận tải khác, định hướng phát triển kinh tế và đặc biệt là du lịch đầu tư thương mại của địa phương.

Ví dụ như tại nước Hàn Quốc, Đài Loan số lượng sân bay không nhiều như nước ta vì họ có hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc quá thuận lợi nên tất cả các hãng hàng không của 2 nước này hiện nay đang tăng cường khai thác các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam. Những sân bay hiện hữu của nước này đang ở trong điều kiện rất khó khăn về mặt phục vụ chuyến bay quốc tế đến các nước khác.

“Nguyện vọng xây dựng cảng hàng không, sân bay là chính đáng vì tỉnh nào cũng mong muốn nhưng cơ hội, khả năng thực tiễn phát huy được hiệu quả phải đánh giá cẩn trọng. Do đó, cơ quan chức năng phải nghiên cứu cụ thể tiềm năng, đánh giá một cách khả thi trong và ngoài nước để quyết định đầu tư bất kể nguồn lực đầu tư là ngân sách Nhà nước hay xã hội hóa,” ông Cường nói.

Theo các chuyên gia giao thông, để thuyết phục đầu tư, xây dựng cảng hàng không, Nhà nước hay nhà đầu tư sẽ phải giải đáp được hàng loạt câu hỏi như dự kiến khai thác nguồn khách ở đâu, khả năng tăng trưởng khách cũng như phát triển kinh tế địa phương ra sao, kết nối với những địa phương nào, ảnh hưởng của các loại hình đường bộ, đường sắt?…

“Xã hội hóa hạ tầng hàng không chỉ thực hiện được đối với các cảng hàng không, các nhà ga hành khách có tỷ suất sinh lời cao, còn các cảng hàng không địa phương thì khó có thể làm được bởi nhà đầu tư không nhìn thấy khả năng thu hồi vốn khi lượng khách ít, khả năng tăng trưởng hạn chế,” chuyên gia này nói.

Cần phải nói thêm rằng, đề xuất là sân bay của tỉnh Lào Cai không phải là điều mới và bất ngờ bởi thời gian vừa qua, một số chuyên gia giao thông bày tỏ quan điểm, Việt Nam được nhận định là mắc phải “hội chứng lạm phát sân bay” khi nhiều tỉnh, thành đều mong muốn có được một sân bay, cảng hàng không.

Phản bác dư luận nói đến Việt Nam có “hội chứng về sân bay”, ông Cường cho rằng, đây có lẽ là nói theo phong trào bởi các cơ sở hạ tầng hàng không nước ta đều đang khai thác ở mức cao nhất và nhu cầu mở rộng, nâng cấp là hiện hữu như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc…

Theo ông Cường, sắp tới, nước ta sẽ có thêm sân bay Vân Đồn và đây là minh chứng xem xét hiện hữu hiệu quả kinh tế dựa trên yếu tố nhà đầu tư có sự tìm hiểu, phân tích đánh giá thị trường, sự phát triển kinh tế địa phương, kết nối vùng miền trong và ngoài nước…

Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đề xuất, sẽ xây dựng Cảng hàng không Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên với quy mô sân bay dân dụng cấp 4C, với tổng vốn đầu tư gần 5.800 tỷ đồng.

Dự kiến, dự án sẽ được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2020) sẽ đầu tư 4.750 tỷ đồng (bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng cho cả dự án) xây dựng quy mô sân bay cấp 4C công suất 560.000 hành khách/năm và 600 tấn hàng/năm với 2 vị trí đỗ tàu bay, có thể khai thác các loại tàu A320, A321 và tương đương. Tiếp đó, giai đoạn 2 (đến năm 2030) sẽ đầu tư thêm 1.033 tỷ đồng nâng cấp để đạt công suất 1.585.000 hành khách/năm và 2.880 tấn hàng hóa/năm.

Tỉnh Lào Cai đề xuất phương án đầu tư theo hình thức xã hội hoá, trong đó, giai đoạn I, Lào Cai sẽ kêu gọi đầu tư kết hợp hỗ trợ từ ngân sách địa phương phần khu bay (bao gồm cả hạng mục san lấp mặt bằng, giải phóng mặt bằng và tái định cư) với tổng kinh phí khoảng hơn 2.800 tỷ đồng.

Trong dự án này, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nghiên cứu đầu tư hạng mục quản lý bay với tổng kinh phí khoảng 160 tỷ đồng; còn Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nghiên cứu đầu tư khu hàng không dân dụng với tổng kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng, riêng giai đoạn II sẽ triển khai khi có nguồn lực và nhu cầu.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.