Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng Ban. 2 Phó trưởng Ban gồm: Thứ trưởng Bộ Công Thương (Phó trưởng Ban thường trực) và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
6 Ủy viên gồm một Thứ trưởng của các bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo; một lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ban công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi thẩm quyền giải quyết các vấn đề về kinh tế - tài chính và kỹ thuật liên quan đến việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các công việc khác theo phân công của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Ban công tác thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ về kinh tế - tài chính và kỹ thuật; giải quyết các vấn đề có tính liên ngành liên quan đến dừng đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; định kỳ và đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ được giao; đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các nội dung vượt thẩm quyền.
Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Ban công tác. Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định thành phần Tổ giúp việc Ban công tác bao gồm cán bộ, chuyên viên các bộ, ngành, đơn vị tham gia Ban công tác và mời các chuyên gia thích hợp khi cần thiết.
Việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được đánh giá sẽ không làm ảnh hưởng an ninh năng lượng
Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, ngày 22/11/2016, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết dừng thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vì lý do kinh tế. Việc dừng dự án này được đánh giá là không làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng do có thể bổ sung các loại hình nguồn điện khác trong hệ thống như nhiệt điện than, nguồn điện từ năng lượng tái tạo, nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)...
Chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận từng được Quốc hội đồng thuận với tỷ lệ hơn 77% tán thành (382 phiếu) hồi tháng 11/2009. Vốn đầu tư dự kiến ban đầu là 200.000 tỷ đồng, sau đó tăng lên 400.000 tỷ. Một số bước chuẩn bị cho dự án như đào tạo nhân sự ở nước ngoài, thỏa thuận vay vốn, chọn đối tác triển khai, thăm dò khởi công... đã được thực hiện.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Hồng Tịnh nhận xét đề xuất dừng dự án điện hạt nhân "là một sự dũng cảm".