Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Tập đoàn Lego, hãng sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD vào việc xây dựng nhà máy tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở châu Á và giúp chuỗi cung ứng của họ trở nên linh hoạt hơn sau một loạt cú sốc từ COVID-19.
Việc khởi công được dự kiến triển khai vào nửa cuối năm 2022 và nhà máy sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024, với mục tiêu mang đến 4.000 cơ hội việc làm trong vòng 15 năm tới.
Đây sẽ là nhà máy thứ sáu của Lego trên thế giới, sau một nhà máy ở Trung Quốc, ba ở châu Âu và một ở Mexico, và chủ yếu sẽ phục vụ các quốc gia Đông Nam Á.
Không chỉ đầu tư thêm nhà máy mới tại Việt Nam, Lego cũng tiếp tục chứng tỏ vị trí số 1 trong làng sản xuất đồ chơi với kết quả kinh doanh ấn tượng, bất chấp hàng loạt những tác động của đại dịch COVID-19.
Điều gì đã giúp Lego trụ vững và vượt qua đại dịch ngoạn mục đến vậy?
Tập đoàn Lego ra đời trong phân xưởng của Ole Kirk Christiansen (1891–1958), vốn là một thợ mộc đến từ Billund, Đan Mạch, bắt đầu làm các đồ chơi bằng gỗ từ năm 1932. Vào năm 1934, công ty của ông có tên là "Lego" đặt theo hai từ Đan Mạch “leg godt”, có nghĩa là “chơi hay” (play well), rất trùng hợp là trong tiếng Latin hai từ này lại có nghĩa “tôi xếp chúng lại với nhau”.
Toàn bộ thương hiệu Lego nổi tiếng thế giới ngày nay từng được tạo nên chỉ bởi một "nền tảng" đơn giản là một khối lắp ghép bằng nhựa dài 31,8mm và rộng 15,8mm. Đến nay, Lego có hơn 3.700 kiểu mảnh ghép khác nhau, từ những khối hình nhân vật đến các loại ống, "phụ tùng" như bánh xe, thanh kiếm… Và có hơn 900 triệu kiểu đồ chơi có thể được tạo ra chỉ với 6 khối Lego cùng màu.
Với các thiết kế của Lego, những mảnh nhỏ có thể ghép với nhau để tạo ra một hoặc nhiều hình khối thú vị, chính sự đa dạng đó đã "cuốn" người chơi vào chuỗi tư duy, sáng tạo cực gây nghiện này.
Tuy vậy, ít ai biết rằng Lego đã từng có giai đoạn "lao đao" hồi những năm 2000 khi trẻ con chuyển từ đồ chơi thực tế sang video game. Liên tiếp ghi nhận những khoản lỗ lịch sử, hàng ngàn nhân sự phải cắt giảm. Tuy nhiên, Lego đã thực hiện một bước đi táo bạo, vượt ra khỏi giới hạn của những khối ghép đã giúp hãng phát triển, và lấy lại vị thế.
Kể từ đó, hơn cả việc tạo ra các khối đồ chơi ghép hình, Lego tạo ra một loạt phim (The Lego Movie, Lego Star Wars, Batman, Lego Ninjago), video game và kênh YouTube riêng với hơn 5 triệu lượt theo dõi, cùng vô số các trang của người hâm mộ Lego.
Với chiến lược "làm đồ chơi cho tất cả mọi người", tức là không chỉ trẻ con, mà người lớn vẫn có thể say mê những mảnh xếp hình, Lego đã hợp tác với nhiều đơn vị giải trí sở hữu các sản phẩm nổi tiếng như Marvel để tăng độ tương tác. Ngoài ra, không thể không kể đến các set Lego vs Harry Potter hay Lego vs Frozen.
Dòng Architecture của Lego được xem là phổ biến nhất trong cộng đồng "người lớn chơi Lego". Họ "xây dựng" nhiều tòa nhà, thành phố như Điện Capitol Hoa Kỳ hay Bảo tàng Guggenheim ở New York. Nhiều người chơi còn tự sáng tạo ra những tác phẩm "độc quyền" của mình, như tòa Ministry of Home Affairs ở New Delhi, tòa Synagogue of Livorno ở Italy…
Không dừng lại ở đó, Lego còn tạo ra 8 công viên chủ đề Legoland, khai trương Lego House (sân chơi với 25 triệu khối ghép hình) ở Đan Mạch hồi tháng 9/2017. Lego House bao gồm nhiều khu vực đa màu sắc nhằm giáo dục trẻ em các "năng lực cốt lõi": phát triển kỹ năng xã hội, giải quyết vấn đề, phát triển cảm xúc và sự sáng tạo.
Ngoài ra, Lego cũng không ngừng tìm kiếm những thị trường mới. Hãng chứng kiến "sự tăng trưởng mạnh mẽ" ở thị trường Trung Quốc và đã công bố sự hợp tác với Tencent vào tháng 1/2018.
Đặc biệt trong năm nay, khi Chính phủ Trung Quốc giới hạn thời gian chơi game cho trẻ em dưới 18 tuổi thì chúng sẽ có nhiều thời gian để nghĩ đến các hoạt động giải trí khác, chẳng hạn Lego. Một lượng khách hàng tiềm năng không nhỏ chắc chắn sẽ hứa hẹn kết quả kinh doanh ngày càng khởi sắc hơn cho Lego trong thời gian tới.
Là thương hiệu đồ chơi nổi tiếng trên toàn cầu cùng với sự mở rộng thị trường nhanh chóng ở Trung Quốc, Lego chứng kiến nhu cầu đối với các bộ đồ chơi lắp ráp đặc trưng gia tăng trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên khắp thế giới.
Lợi nhuận của Lego trong nửa đầu năm nay tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, khi khách hàng đổ xô đến các cửa hàng Lego được mở lại để mua bộ lắp ghép xây dựng “Chiến tranh giữa các vì sao” và các bó hoa làm từ những miếng nhựa đầy màu sắc.
Mặc dù đối mặt với chi phí vận chuyển và giá nguyên liệu tăng cao nhưng lợi nhuận sáu tháng của Lego đạt mức 8 tỷ krone Đan Mạch (1,26 tỷ USD). Trong khi đó, doanh thu của hãng này trong nửa đầu năm tăng 46%, đạt 23 tỷ krone.
Chiến lược phát triển kinh doanh đa kênh dài hạn của Lego đóng góp một phần không nhỏ vào kết quả ấn tượng này. Trong nửa đầu năm 2021, doanh số bán online của Lego tăng 50%. Song song đó, Lego cũng tiếp tục khai trương các cửa hàng thực địa và duy trì công viên chủ đề Legoland.
Trong khi nhiều "mảng" của ngành bán lẻ toàn cầu vẫn đang phải nỗ lực vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 và nhiều vấn đề liên quan đến chuỗi ứng, Lego cho biết hãng sẽ tiếp tục “đặt cược” vào những cửa hàng truyền thống để thu hút khách hàng mới.
Lego dự kiến sẽ mở thêm 174 cửa hàng mới trên thế giới trong năm nay, qua đó nâng tổng số cửa hàng của hãng lên con số 851. Trong giai đoạn từ tháng 1-6/2021, Lego đã mở thêm 60 cửa hàng trên thế giới.
Sự phát triển của Lego đã tăng nhanh trong suốt thời kỳ đại dịch COVID-19, củng cố vị thế của hãng trước "đối thủ" Mattel và Hasbro của Mỹ với tư cách là nhà sản xuất đồ chơi bán chạy nhất và có lợi nhuận cao nhất thế giới. Điều này có được là nhờ hoạt động sản xuất của hãng không bị gián đoạn bởi các hạn chế của dịch bệnh và hầu hết các cửa hàng của Lego đều đã mở cửa trở lại.
Các bộ lắp ghép thu hút người tiêu dùng của Lego trong nửa đầu năm nay gồm có bộ xếp hình Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars), bộ xếp hình sáng tạo nâng cao Creator Expert, xếp hình bó hoa và xếp hình Đấu trường La Mã.
Các bộ xếp hình trở thành sản phẩm được ưa chuộng đối với những người lớn “bị mắc kẹt” ở nhà trong giai đoạn giãn cách ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Hiện tập đoàn này có khoảng 20.400 nhân viên làm việc tại 40 quốc gia trên khắp thế giới. Theo ông Carsten Rasmussen, Giám đốc Vận hành của Tập đoàn Lego, họ đã dành 18 tháng qua để tìm hiểu các địa điểm ở Đông Nam Á và nhận được “hợp đồng rất tốt” từ Việt Nam.
“Chúng tôi thực sự đang nhìn vào dài hạn và đầu tư cho dài hạn. Có một tiềm năng lớn cho chúng tôi ở châu Á và Trung Quốc”, ông Rasmussen nói thêm.
Nhà máy Trung Quốc hiện tại của Lego trong tương lai sẽ chủ yếu sản xuất cho Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi cơ sở mới của Việt Nam sẽ phục vụ phần còn lại của châu Á.
Từ một xưởng mộc với chỉ 10 nhân công được thành lập vào năm 1932, Lego đã hiện diện trên khắp thế giới với những viên gạch nhựa nhiều màu sắc có thể lắp ráp thành nhà cửa, máy bay, ô tô, tàu thuyền, người máy (robot) và trở thành một trong những thương hiệu đồ chơi được yêu thích nhất không chỉ của trẻ em. Bất kỳ ai cũng có thể cầm những khối Lego lên và để cho trí tưởng tượng của họ bay xa. Ai cũng có những "câu chuyện Lego" của riêng mình...
Và dịp Giáng sinh này, chắc chắn Lego sẽ vẫn là món quà mà nhiều trẻ em mơ ước, gửi gắm trong bức thư gửi tới Ông già tuyết.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.