Lilama 3, Đầu tư và xây dựng Sông Đà bị 'bêu tên' trong danh sách nợ thuế

Bảo Duy - 29/06/2020 15:12 (GMT+7)

(VNF) - Cục Thuế TP. Hà Nội vừa công khai danh sách 374 đơn vị nợ thuế với số nợ 489,8 tỷ đồng tính đến ngày 30/4/2020.

VNF
Lilama 3, Đầu tư và xây dựng Sông Đà bị 'bêu tên' trong danh sách nợ thuế. (Ảnh minh hoạ)

Danh sách lần này công khai lần đầu 318 đơn vị nợ 174,8 tỷ đồng thuế, phí, tiền thuê đất, tiền phạt và tiền chậm nộp tính đến ngày 30/4/2020. Trong đó, 313 doanh nghiệp nợ 65,2 tỷ đồng thuế, phí, tiền phạt, tiền chậm nộp. Đứng đầu danh sách này là Công ty Cổ phần Lilama 3 có MST: 2600104526 với số nợ hơn 3,6 tỷ đồng tính đến ngày 30/4/2020; tiếp theo đó là Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng đầu tư dầu khí có MST: 0104628335 với số nợ 918 triệu đồng tính đến ngày 30/4/2020.

Cùng với đó là 5 đơn vị nợ 109,6 tỷ đồng tiền thuê đất, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuê đất. Đứng đầu danh sách là Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Sông Đà với số nợ 57,7 tỷ đồng.

Danh sách cũng công khai lại 56 đơn vị nợ hơn 315 tỷ đồng tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tiền phạt và tiền chậm nộp tính đến ngày 30/4/2020. Đây là các đơn vị nợ thuế đã được Cục Thuế thực hiện công khai những năm trước (năm 2015,2016, 2017, 2018 hoặc 2019).

Trong danh sách này, 48 đơn vị nợ hơn 71 tỷ đồng tiền thuê đất, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuê đất. Đứng đầu danh sách này là Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng với số nợ hơn 15,07 tỷ đồng.

2 đơn vị nợ 208,4 tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất là Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Số 4 - Vạn Xuân và Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 68.

Danh sách cũng "điểm mặt" 6 đơn vị nợ 35,5 tỷ đồng tiền thuê đất, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuê đất. Đứng đầu danh sách này là Công ty TNHH MTV Xây lắp hoá chất với số nợ hơn 12 tỷ đồng.

Theo Cục Thuế Hà Nội, trong thời gian tới, đối với các trường hợp đã qua quá trình quản lý, đánh giá có dấu hiệu chây ỳ, có dòng tiền luân chuyển nhưng không thực hiện nộp tiền thuế vào ngân sách, cơ quan này sẽ tiếp tục chuyển thanh tra đột xuất, toàn diện để có cơ sở đánh giá, báo cáo đề xuất UBND TP. Hà Nội và Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính các biện pháp quyết liệt mạnh mẽ hơn nữa như: thu hồi GCNDKKD, dự án, chuyển biện pháp cưỡng chế...

Cùng chuyên mục
Tin khác