Liên quan đến kết luận “Có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op từ khi thành lập đến nay” của Thanh tra TP. HCM, có 20/26 hợp tác xã thành viên tham gia tăng vốn vào Saigon Co.op, 6 đơn vị hoạt động kinh doanh không có hiệu quả trong năm 2019.
Thêm vào đó, các đơn vị ghi nhận mức lãi từ 5 đến dưới 6 tỷ đồng trong năm 2019 không tham gia góp vốn vào Saigon Co.op trong khi hàng loạt hợp tác xã thành viên thuộc Saigon Co.op với mức lãi chỉ từ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại tham gia góp số vốn hàng trăm tỷ đồng.
Thanh tra TP. HCM cho rằng, đây là điều không bình thường khi ngoài việc huy động vốn góp của thành viên hợp tác xã, đã có trường hợp huy động từ thành viên bên ngoài và ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các cá nhân bên ngoài hợp tác xã.
Tuy nhiên, các Hợp tác xã thành viên không cung cấp cho Thanh tra TP. HCM các hồ sơ liên quan đến việc góp vốn, huy động vốn, đồng nghĩa với việc không chấp hành đúng nội dung Quyết định thanh tra và thẩm quyền thanh tra của Uỷ ban nhân dân Thành phố tại khoản 2, điều 61 Luật Hợp tác xã.
Cùng với đó, Hợp tác xã thành viên huy động từ vốn không phải thành viên Hợp tác xã để góp vốn vào Saigon Co.op là thực hiện không đúng theo Nghị quyết 12 Đại hội thành viên bất thường lần 1 năm 2020.
Điều 4 thuộc Nghị quyết này quy định, vốn góp từ các Hợp tác xã thành viên không phải do các Hợp tác xã thành viên đi vay hoặc huy động vốn từ đối thủ cạnh tranh.
Nếu vi phạm điều này, Liên hiệp phải hoàn trả số vốn huy động này cho Hợp tác xã thành viên vi phạm.
Trong 20 Hợp tác xã thành viên góp vốn vào Saigon Co.op nhằm tăng vốn điều lệ, có 09 đơn vị góp trên 200 tỷ đồng (dưới 300 tỷ đồng), 01 đơn vị góp 306 tỷ đồng và 01 đơn vị góp hơn 952,5 tỷ đồng (Nguồn: Thanh tra TP. HCM).
Dẫn đầu số vốn góp vào Saigon Co.op là Hợp tác xã thương mại dịch vụ Linh Tây dù lỗ gần 49 triệu đồng năm 2019 nhưng góp 952,5 tỷ đồng .
Tính đến cuối năm 2019, vốn điều lệ của Hợp tác xã thương mại dịch vụ Linh Tây là 571 triệu đồng trước khi vọt lên 3,1 tỷ đồng tại thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, ngày 29/04/2020, Thanh tra Thành phố đã mời làm việc lần 2 với 26 Hợp tác xã thành viên của Saigon Co.op để làm rõ nguồn vốn góp.
Là đơn vị góp vốn lớn nhất nhưng Hợp tác xã thương mại dịch vụ Linh Tây không đến làm việc dù đã được mời lần 2.
Kết quả, 13 Hợp tác xã thành viên đã cử ông Nguyễn Xuân Bính làm người đại diện theo uỷ quyền đến làm việc với Đoàn thanh tra. Tuy nhiên, cá nhân này và các hợp tác xã thành viên khác đến làm việc cũng không cung cấp các hồ sơ tài liệu theo yêu cầu.
Ngoài Hợp tác xã thương mại dịch vụ Linh Tây, Hợp tác xã thương mại Thị Nghè và Hợp tác xã thương mại Cầu Kinh dù ghi nhận lỗ lần lượt 163,6 triệu đồng và gần 106 triệu đồng trong năm 2019 nhưng vẫn tham gia góp hơn 247 tỷ đồng vào Saigon Co.op.
Theo tài liệu baodautu.vn có được, 2019 là năm đầu tiên Hợp tác xã thương mại Thị Nghè ghi nhận lỗ trong giai đoạn 2014-2019.
Năm 2014, đơn vị này lãi gần 18 triệu đồng trước khi giảm liên tục vào các năm kế tiếp và dừng ở mức lãi 2,3 triệu đồng năm 2018 trước khi lỗ 163,6 triệu đồng trong năm 2019.
Kết quả kinh doanh của Saigon Co.op từ 2014 đến 2019 (Đvt: Tỷ đồng. Nguồn: Thanh tra TP. HCM).
"Phân tích tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn đầu tư của các hợp tác xã thành viên, Thanh tra Thành phố nhận thấy tỷ suất lợi nhuận đạt được từ 26% - 39% trên vốn góp nên nhu cầu của các cá nhân, tổ chức muốn đầu tư vào Saigon Co.op là có cơ sở. Việc làm này cho thấy, nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên thì Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Liên hiệp hợp tác xã thương mại Thành phố. Có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung (tài sản chung không chia) và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung, việc làm này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự", theo kết luận của Thanh tra TP. HCM. |