Lộc Trời gặp khó trong ‘cơn bão’ thuốc bảo vệ thực vật Trung Quốc

Bá Lâm - 13/12/2017 15:01 (GMT+7)

(VNF) - Dẫn đầu thị phần thuốc Bảo vệ Thực vật (BVTV) tại Việt Nam hiện nay với tỷ lệ hơn 20%, thế nhưng Tập đoàn Lộc Trời (HOSE: LTG) đang "ngộp thở" trong bài toán giữ thị phần khi lượng thuốc nhập khẩu từ Trung Quốc đang tràn về ồ ạt...

VNF

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 9 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và nguyên vật liệu đã tăng 47,9% so với cùng kỳ, đạt 739 triệu USD. Trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 54,2% tương đương 400,5 triệu USD (tăng 66% so với cùng kỳ). Quy mô thị trường có xu hướng giảm, trong khi sức cạnh tranh đến từ Trung Quốc ngày càng mãnh liệt đang trở thành một thách thức rất lớn đối với Lộc Trời.

Hụt hơi với tham vọng

Theo báo cáo tài chính quý 3/2017 của Lộc Trời, kết quả doanh thu thuần trong quý của doanh nghiệp này đạt 1.800 tỷ đồng, giảm 182 tỷ đồng so với quý 3 năm ngoái, tương ứng giảm khoảng 9%. Trong khi đó, giá vốn bỏ ra chỉ giảm 6% nên lợi nhuận gộp thu về đạt 451,5 tỷ đồng, giảm sâu 18% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu Lộc Trời đạt 5.875 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm 2016; lãi sau thuế đạt 279,6 tỷ đồng, tăng trường 16,6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nếu so sánh với kế hoạch được HĐQT Lộc Trời đặt ra cho năm 2017 với các chỉ tiêu như mục tiêu tăng trưởng 6,5% về doanh thu, lên 8.287 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng trưởng khá mạnh tới 31,8%, mục tiêu đạt 460 tỷ đồng,... thì rõ ràng, để hoàn thành mục tiêu kế hoạch với Lộc Trời trong những ngày còn lại của quý 4/2017 là không hề dễ dàng.

Nhìn vào cơ cấu doanh thu 9 tháng/2017 của Lộc Trời, có thể thể thấy mảng thuốc bảo vệ thực vật vẫn là ngành nghề kinh doanh trọng yếu của doanh nghiệp này. Thế nhưng, đây không hề là mảng kinh doanh dễ nhằn. Con số cụ thể cho thấy doanh thu từ thuốc bảo vệ thực vật đạt 3.472 tỷ đồng, chiếm 57% tổng doanh thu; trong khi đó năm 2016, mảng kinh doanh này chiếm tỷ lệ tới hơn 60,75%. Điều này cho thấy mảng kinh doanh này cũng đang chịu sức ép rất lớn.

Trong khi đó, ở mảng lúa gạo, mặc dù vẫn chiếm tỷ lệ khoảng 31% trong cơ cấu doanh thu như năm 2016 nhưng tình hình lại không khả quan khi ước tính của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho thấy năm 2017 này, Lộc Trời vẫn lỗ khoảng 100 tỷ đồng và phải đến năm 2018 mới có khả năng hòa vốn ở mảng này. Riêng mảng giống cây trồng dù có cải thiện, chiếm khoảng 9% trong cơ cấu doanh thu (năm 2016 chiếm tỷ lệ 7,87%) nhưng nếu so với thời gian trước thì cũng giảm sút cả về giá trị lẫn biên lợi nhuận (từ mức 34,7% xuống 22,4%).

Rõ ràng, những con số kém hiệu quả ở báo cáo tài chính quý 3/2017, cùng với những diễn biến có phần tồi tệ trên thị trường chứng khoán khi cổ phiếu LTG đã giảm mất hơn 33% so với thời điểm chào sàn khiến nhà đầu tư càng thất vọng hơn với Lộc Trời. Hiện, cổ phiếu LTG chỉ còn giao dịch quanh vùng giá 40.000 - 41.000 đồng/cổ phiếu.

Biên lợi nhuận của Tập đoàn Lộc Trời đang suy giảm

Vì đâu nên nỗi?

Là doanh nghiệp nức tiếng một thời vì có tỷ suất lợi nhuận cao, tăng trưởng liên tục (giai đoạn 2005 - 2015, tăng trưởng bình quân đạt 22,8%) nay Lộc Trời đang gặp nhiều thách thức khi tiến sâu vào chuỗi giá trị lương thực. Vì sao lại có tình trạng ngược đời như thế?

Trước hết ở mảng thuốc BVTV, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV hiện nay có 3 dạng: Nhập toàn bộ nguyên liệu của nhà cung cấp và chế biến theo công thức của họ; Hoặc nhập của nhiều nhà cung cấp với mỗi thành phần khác nhau và chế biến theo công thức của chính doanh nghiệp; Hoặc nhập toàn bộ về phân phối lại. 

Đối với Lộc Trời, dù ưu thế là đối tác phân phối của Syngenta - hãng thuốc BVTV hàng đầu thế giới đến từ Thuỵ Sỹ nhưng do tỷ lệ nhập hoàn toàn vẫn chiếm tỷ trọng lớn, hơn 60% nên có rủi ro về mặt tỷ giá và biến động giá nguyên liệu,... trong khi Lộc Trời không thể chuyển hết phần rủi ro này cho người nông dân.

Cùng với đó, sức ép cạnh tranh từ nguồn hàng Trung Quốc ngày càng lớn khiến vị thế về thị phần của Lộc Trời ngày càng căng thẳng.

Trong khi đó, ở mảng lúa gạo, dù chiếm tỷ trọng 31% tổng doanh thu nhưng lại có biên lợi nhuận khá thấp, chỉ 4,2%. Cùng với việc mở rộng (90.000 ha) khiến mảng này bị lỗ nặng tới 220 tỷ đồng, khiến Lộc Trời buộc phải tính toán giảm gần 2/3 diện tích vào năm 2017 này (chỉ còn 36.000 ha). Dù vậy, con số lỗ của mảng này cũng lên tới 100 tỷ đồng...

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Lộc Trời lại đến từ bài toán tài chính. Cụ thể, trong cơ cấu nguồn vốn, tính đến hết tháng 9/2017, nợ phải trả của Lộc Trời lên đến 4.062 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ ngắn hạn 2.540 tỷ đồng, tăng 635 tỷ đồng so vời đầu năm, vay nợ dài hạn cũng tăng 147 tỷ đồng, lên mức 220 tỷ đồng. 

Hệ số nợ cao cùng với sự quay vòng vốn lớn, khả năng thanh toán của Lộc Trời sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu xảy ra sự cố trong việc thu hồi công nợ hay xoay vòng vốn. Nhất là trong điều kiện, tài sản của Lộc Trời chủ yếu nằm ở phải thu và tồn kho lớn (cuối quý 3 còn 2.455 tỷ đồng, tăng 285 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm), tiền mặt ít (dưới 5%)...

Cùng chuyên mục
Tin khác