Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Các ngân hàng thương mại đã công bố kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm 2023 với những con số trái ngược như bức tranh 2 màu tương phản. Theo đó, nhiều ngân hàng có lợi nhuận suy giảm mạnh nhưng có một số ngân hàng vẫn có lợi nhuận tăng trưởng mức 2 con số.
Về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, dẫn đầu toàn ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm là Sacombank với mức tăng 63,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.755 tỷ đồng. Riêng quý II, Sacombank ghi nhận tăng trưởng lãi ròng 139,5%.
Quý II/2023 cũng ghi nhận sự bứt tốc mạnh mẽ của OCB khi lợi nhuận trước thuế của nhà băng này tăng 75% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 2.560 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thu nhập ngoài lãi của OCB tăng gấp đôi lên 884 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.
Một số ngân hàng nhỏ và tầm trung khác cũng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng. Trong 6 tháng đầu năm, PG Bank lãi trước thuế hơn 303 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ; Nam A Bank tăng trưởng lợi nhuận hơn 30%; MSB lãi trước thuế 3.548 tỷ đồng, tăng 6%; VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 5.640 tỷ đồng, tăng 12%.
Trong khi đó, các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank tiếp tục giữ vững vị trí đầu bảng với lợi nhuận trước thuế vượt 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, Vietcombank giữ vững vị trí quán quân về lợi nhuận. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 20.499 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2022. Mức lãi của Vietcombank tiếp tục bỏ xa các ngân hàng còn lại, gấp 1,5 lần so với ngân hàng đứng thứ 2 là BIDV.
Với mức lãi trước thuế hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ, BIDV đã nhảy từ vị trí thứ 6 cùng kỳ năm ngoái lên vị trí thứ 2 trong nửa đầu năm nay. Riêng quý II, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 6.943 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Đây là mức lãi cao nhất lịch sử mà BIDV đạt được trong một quý. Kết quả này giúp BIDV vượt qua Techcombank trở thành ngân hàng có lợi nhuận bán niên cao thứ hai hệ thống, chỉ sau Vietcombank.
Xếp thứ 3 là MBBank với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 11,8% so với cùng kỳ, đạt 11.950 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt hơn 12.700 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. VietinBank đứng thứ 4 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 12.500 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng là ACB với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
Điểm chung của hầu hết ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất nửa đầu năm nay là đều duy trì được tăng trưởng thu nhập lãi thuần và các nguồn thu chủ chốt khác.
Ở nhóm còn lại, nhiều ngân hàng có mức lãi sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Có những ngân hàng ghi nhận lãi ròng sụt giảm tới hai chữ số. Sụt giảm lợi nhuận mạnh nhất là Ngân hàng Bản Việt (BVBank) khi lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm giảm tới 89% so với cùng kỳ, xuống còn chưa đầy 40 tỷ đồng.
VPBank là ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh nhất trong top 10. Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất nhà băng này xuống còn hơn 5.100 tỷ đồng, giảm tới 66% so với cùng kỳ. ABBank là ngân hàng báo lợi nhuận suy giảm mạnh nhất trong quý II/2023 với mức giảm 94% so với cùng kỳ, chỉ đạt 67 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận của ngân hàng này ở mức 679 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng giai đoạn năm trước.
Đối với BacABank, lợi nhuận trước thuế quý 6 tháng đầu năm nay là 380,3 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù đứng thứ 5 về xếp hạng lợi nhuận, đạt gần 11.300 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận của Techcombank trong 6 tháng đầu năm giảm 20% so với cùng kỳ.
LPBank cũng báo lợi nhuận lao dốc 31,8% khi chỉ đạt lãi trước thuế sau 6 tháng 2.446 tỷ đồng. Tương tự, TPBank báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 3.383 tỷ đồng. Ngoài ra, danh sách ngân hàng sụt giảm lợi nhuận trong nửa đầu năm còn có SeABank (2.016 tỷ đồng, giảm 28%), Eximbank (1.405 tỷ đồng, giảm 26%), VietABank (522 tỷ đồng, giảm 16%), BaoVietBank (25 tỷ đồng, giảm 7%), NCB (14 tỷ đồng, giảm 28%).
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023 của các ngân hàng, tổng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết giảm 1,4% trong quý II/2023. Lũy kế 6 tháng, tổng lợi nhuận sau thuế các ngân hàng giảm 3%. Nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn, với mức tăng trưởng 16,8%, trong khi lợi nhuận nhóm các ngân hàng thương mại tư nhân giảm 10%.
Như vậy, tổng lợi nhuận sau thuế của ngành ngân hàng tăng trưởng âm trong nửa đầu năm 2023. Đây là bức tranh trái ngược so với trước đó khi tăng trưởng lãi ròng của các ngân hàng niêm yết liên tục duy trì ở mức hai con số trong nhiều quý.
Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, lợi nhuận của ngành ngân hàng đã chững lại. Tuy khó khăn đối với ngành ngân hàng không quá nặng nề như bất động sản nhưng thách thức cho các ngân hàng nửa cuối năm sẽ không nhỏ.
Lợi nhuận các ngân hàng trong năm nay sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng suy giảm và tiếp tục có sự phân hóa lớn khi hoạt động ngành này chịu nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế vĩ mô trong thời gian qua. Sự suy giảm là điều đã được nhiều chuyên gia dự báo trước trong bối cảnh các ngân hàng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tác động tiêu cực của cuộc đua lãi suất huy động, nhu cầu tín dụng sụt giảm, biên lãi ròng (NIM) thu hẹp và nợ xấu tiềm ẩn khiến trích lập dự phòng rủi ro tăng.
NIM của nhiều ngân hàng tiếp tục thu hẹp trong quý II khi nguồn vốn huy động giá cao chưa được hấp thụ hết, đồng thời nguồn vốn giá rẻ (CASA, tiền gửi không kỳ hạn) giảm mạnh.
Đi cùng sự thu hẹp của lợi nhuận, chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng suy yếu khi nợ xấu có xu hướng tăng mạnh. Hoạt động xử lý nợ xấu để thu hồi vốn của các ngân hàng gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng, trong khi bất động sản lại là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.
Yếu tố lớn nhất kéo giảm lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa đầu năm 2023 đến từ chi phí trích lập dự phòng tăng mạnh. Trong khi tổng thu nhập hoạt động của ngành ngân hàng gần như đi ngang thì chi phí trích lập dự phòng tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Nhiều chuyên gia nhận định, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2023 sẽ tăng chậm lại. Từ nay tới cuối năm, lợi nhuận ngành ngân hàng thậm chí sẽ còn phân hóa rõ nét hơn.
Năm ngoái, các nhà băng đã đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn thu từ bảo hiểm, thư tín dụng, chứng khoán, ngoại hối… bên cạnh thu từ mảng cho vay. Năm nay, hoạt động bảo hiểm liên kết đầu tư được bán chéo qua kênh ngân hàng (bancassurance) có thể sẽ giảm lại do việc các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra và niềm tin của người dân giảm sút. Các chuyên gia cho rằng mức tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay chỉ trong khoảng 10% -15%, trái với mức hơn 40% năm ngoái.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính, nhận định tăng trưởng của các ngân hàng có lẽ không khả quan trong nửa cuối năm 2023, do nợ xấu đang tăng, tín dụng từ đầu năm đến nay tăng chưa đến 5%, thấp hơn nhiều so với dự báo. Trong năm tới, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong trường hợp thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô thế giới xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.