Tài chính

Lợi nhuận Vinachem giảm 42% trong nửa đầu năm, trích lập dự phòng hơn 5.700 tỷ đồng

(VNF) - Nửa đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Vinachem đạt 70 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lượng trích lập dự phòng lên tới 5.767 tỷ đồng, bao gồm cả dự phòng đầu tư tài chính và dự phòng các khoản phải thu.

Lợi nhuận Vinachem giảm 42% trong nửa đầu năm, trích lập dự phòng hơn 5.700 tỷ đồng

Lợi nhuận Vinachem giảm 42% trong nửa đầu năm

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2018.

Theo báo cáo, doanh thu tài chính nửa đầu năm của Vinachem đạt 570 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2017. Song song, tập đoàn này ghi nhận 197 tỷ đồng chi phí tài chính bất thường (toàn bộ là dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư).

Vinachem cũng ghi nhận 306 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp trong nửa đầu năm, tăng gấp 2,2 lần.

Vì đây là báo cáo tài chính của công ty mẹ nên doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là không đáng kể (chỉ 2,49 tỷ đồng), đồng thời Vinachem không ghi nhận chi phí bán hàng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Vinachem đạt 70 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết ngày 30/6/2018, tổng tài sản của Vinachem đạt 20.583 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với hồi đầu năm. Phần lớn tài sản của Vinachem tập trung ở các khoản đầu tư tài chính dài hạn với 7.648 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn với 6.523 tỷ đồng và các khoản phải thu dài hạn với 5.659 tỷ đồng.

Đi vào chi tiết, hiện Vinachem đang dự phòng tổng cộng 5.207 tỷ đồng cho các khoản đầu tư tài chính; trong đó các khoản dự phòng lớn nhất là ở Công ty Đạm Ninh Bình với 2.313 tỷ đồng, Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) với 1.874 tỷ đồng, Công ty DAP – Vinachem với 207 tỷ đồng, Công ty DAP số 2 – Vinachem với 802 tỷ đồng.

Đối với các khoản phải thu, Vinachem hiện đang có khoản phải thu ngắn hạn về cho vay đối với Công ty Đạm Ninh Bình trị giá 3.793 tỷ đồng (trong đó dự phòng 499 tỷ đồng); cùng với đó là khoản phải thu dài hạn trị giá 5.658 tỷ đồng. Một số khoản phải thu khác cũng khiến tập đoàn này phải dự phòng tổng cộng 61 tỷ đồng.

Như vậy, Vinachem hiện đang trích lập dự phòng tới 5.767 tỷ đồng, bao gồm cả dự phòng đầu tư tài chính và dự phòng các khoản phải thu.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đến hết ngày 30/6/2018 của Vinachem ở mức 13.627 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,5% so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức 6.956 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 4%.

Theo báo cáo cập nhật tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2018 của Vinachem, Công ty mẹ - Vinachem sẽ thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2018 – 2019.

Cùng với đó, năm 2018, Vinachem sẽ cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam 2 với mục tiêu nắm giữ trên 65% vốn điều lệ; cổ phần hóa DAP – Vinachem với mục tiêu nắm giữ 0% cổ phần.

Các thương vụ khác cũng dự tính diễn ra năm nay bao gồm thoái vốn xuống 36% tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM), Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC), Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC), Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ, Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam, Công ty Cổ phần Bột giặt NET.

Tuy nhiên, tất cả các thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn trên đều chưa hoàn thành.

Năm 2019, Vinachem dự kiến hoàn thành thoái vốn xuống 51% đối với nhiều doanh nghiệp thành viên, có thể kể đến như Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì, Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao…

Cũng theo báo cáo trên, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP số 2 - Vinachem sẽ được cổ phần hóa vào năm 2020 theo hướng Nhà nước sẽ không nắm giữ cổ phần nào.

Đối với Công ty TNHH Muối mỏ Việt Lào, Vinachem sẽ không cổ phần hóa theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Bộ Công Thương.

Tin mới lên