Masan Resources nhận tin vui từ giá vonfram, Gemadept lãi đậm sau chuyển nhượng vốn

Trang Lê - 04/10/2017 08:46 (GMT+7)

(VNF) – Theo báo cáo mới nhất từ các công ty chứng khoán, giá vonfram tiếp tục tăng vào cuối tháng 9/2017 kéo theo những ảnh hưởng tích cực đến lợi nhuận trong quý III của Masan Resources. Trong khi đó, Gemadept ước tính thu về 2.500 tỷ đồng lãi sau 3 thương vụ chuyển nhượng vốn.

VNF
Sau ba thương vụ chuyển nhượng cổ phần, HSC ước tính Gemadept sẽ ghi nhận lãi ít nhất 2.500 tỷ đồng trong quý IV/2017.

Masan Resources có khả năng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong quý III

Theo báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Ammonium para vonfram (APT), loại vonfram thương mại phổ biến nhất được giao dịch ở mức giá 322 USD/MTU vào cuối tháng 9/2017, tăng 66% so với đầu năm và 77% so với giá APT bình quân trong năm 2016. Trước đó, xu hướng tăng giá mạnh của APT bắt đầu từ cuối tháng 7/2017 do mối lo ngại về việc cắt giảm nguồn cung tại Trung Quốc, nơi có khoảng 80% kim loại này được khai thác. Trung Quốc đang kiểm soát chặt chẽ về ô nhiễm mỏ và ấn định hạn ngạch sản xuất.

Theo đó, SSI đã cập nhật định giá đối với phân khúc khai thác mỏ hiện tại của Công ty cổ phần Tài Nguyên Masan - Masan Resources để phản ánh sự phục hồi của vonfram. SSI ước tính tăng giá trị của mỏ Núi Pháo từ 12.197 tỷ đồng (542 triệu USD) lên 20.469 tỷ đồng (906 triệu USD) sau khi điều chỉnh giả định cho giá APT tăng từ 210 USD/MTU lên 330 USD/MTU vào năm 2018. Do đó, giá mục tiêu một năm của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan được điều chỉnh lên 54.600 đồng/cổ phiếu (so với giá mục tiêu trước đó là 47.000 đồng/cổ phiếu).

Masan Resources có khả năng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong quý III năm nay, nhờ giá vonfram và đồng tăng trên thị trường hàng hóa. SSI điều chỉnh ước tính lợi nhuận lên 6 – 11% sau khi điều chỉnh tăng giả định về giá vonfram từ mức trung bình 205 USD/MTU vào năm 2017 và từ 210 USD/MTU lên 330 USD/MTU vào năm 2018. Đồng thời, SSI cũng điều chỉnh ước tính doanh thu thêm 1% và 2% tương ứng trong năm 2017 và 2018.

SSI điều chỉnh ước tính lợi nhuận của Masan Resources lên 6 – 11%

Trước đó, vào ngày 22/9/2017, Hội đồng quản trị Masan đã thông qua phương án mua lại 10% cổ phiếu của công ty theo hình thức cổ phiếu quỹ (tương ứng với 115 triệu cổ phiếu), sử dụng lợi nhuận giữ lại tính đến cuối quý II/2017.

Kế hoạch này sẽ được thực hiện trong năm nay, nhưng chưa có thông tin chi tiết về thời gian hoặc giá mua lại. Ban lãnh đạo nhận định Masan đang bị định giá thấp. Tính đến hết quý II/2017, số dư tiền mặt và tương đương tiền của Masan là 6.600 tỷ đồng và nợ ròng 27.436 tỷ đồng. Với mức giá hiện tại là 54.500 đồng/cổ phiếu, Masan sẽ phải chi 6.600 tỷ đồng cho kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ.

Về kết quả kinh doanh sơ bộ quý III/2017, SSI dự báo lợi nhuận của Masan sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng với giá thịt lợn thấp và nhu cần tiêu thụ thực phẩm đóng gói tiếp tục giảm. Giá thịt lợn tiếp tục giảm sau đợt tăng đột biến vào tháng 7/2017. Tại thị trường Đồng bằng sông Cửu Long, giá thịt lợn là 28.500 đồng/kg (giảm so với đầu năm và giảm 39%) vào cuối tháng 9/2017. Giá lợn thấp tiếp tục ảnh hưởng đến việc kinh doanh thức ăn gia súc của Masan Nutri – Science.

Theo báo cáo của Kantar Worldpanel tháng 8, thực phẩm đóng gói tiêu thụ chậm trong khoảng thời gian 12 tuần, kết thúc vào ngày 31/8/2017. Về mặt giá trị thì mặt hàng này tăng 5% tại khu vực thành thị và giảm 4% tại khu vực nông thôn. Do đó, SSI kỳ vọng doanh thu của Masan sẽ không thay đổi hoặc tăng nhẹ trong quý III/2017.

Gemadept lãi 2.500 tỷ sau 3 thương vụ chuyển nhượng cổ phần

Báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) cho biết, Công ty cổ phần Gemadept (GMD) cập nhật những tiến triển mới trong kế hoạch chuyển nhượng cổ phần.

Theo thông báo vào ngày 1/10/2017, Gemadept đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng 50,9% cổ phần tại Công ty TNHH Vận tải biển Gemadept Holding và Công ty TNHH Tiếp vận Gemadept Holding. Nhà đầu tư mua lại cổ phần ở hai công ty này là Công ty CJ Logistics.

Trước đó, trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2016, Gemadept đã cho biết người mua đề xuất mức giá 127 triệu USD để mua lại 50,9% cổ phần của hai công ty trên. Gemadept cũng cho biết, nếu thương vụ thành công, toàn bộ lợi nhuận sẽ được dùng để trả cổ tức tiền mặt đặc biệt với tỉ lệ 85% mệnh giá, tương đương 8.500 đồng/cổ phiếu. Do đó, sau khi bù trừ, HSC ước tính thương vụ này có thể thu về khoản lãi 2.400 tỷ đồng.

HSC hiện dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2017 của Gemadept sẽ tăng trưởng 492% và sau đó giảm 80% trong năm 2018. 

Đồng thời, cũng vào ngày 1/10/2017, Gemadept thông báo đã ký kết chuyển nhượng 15% cổ phần còn lại tại CJ Vietnam Limited Company, công ty sở hữu tòa nhà Gemadept Tower và ghi nhận khoản lãi 102 tỷ đồng. Người mua là công ty CJ O Shopping Co.Ltd.

Như vậy, sau ba thương vụ chuyển nhượng cổ phần trên, HSC ước tính Gemadept sẽ ghi nhận lãi ít nhất 2.500 tỷ đồng trong quý IV/2017. Nhờ đó, triển vọng lợi nhuận trong năm 2017 được cải thiện đáng kể.

HSC hiện dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2017 của Gemadept sẽ tăng trưởng 492% và sau đó giảm 80% trong năm 2018. Công ty này sẽ ghi nhận lợi nhuận lớn bất thường trong năm nay nhờ lãi từ chuyển nhượng cổ phần. HSC cũng đã điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2017 với khả năng ghi nhận khoảng 2.603 tỷ đồng lợi nhuận từ thoái vốn. Nhờ vậy, công ty này có thể thực hiện trả cổ tức đặc biệt bằng tiền mặt với tỉ lệ 85% (8.500 đồng/cổ phiếu).

Trong khi đó, mảng kinh doanh cảng biển và logistics chủ chốt vẫn tăng trưởng ổn định nhờ gia tăng công suất. Đây chính là tâm điểm hoạt động kinh doanh trong thời gian tới của Gemadept. Khả năng cổ đông chủ chốt hiện hữu sẽ thoái vốn với mức giá cao trong 12 – 18 tháng tới là rất lớn.

Cùng chuyên mục
Tin khác