Mất điểm tựa, lợi nhuận Tập đoàn Sao Mai trôi dốc

Lê Quân - 04/04/2020 10:00 (GMT+7)

Dù lợi nhuận và lãi cơ bản trên cổ phiếu năm 2019 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (mã cổ phiếu: ASM) đều hụt hơi so với năm trước, chưa kể món nợ lớn từ phát triển điện mặt trời, nhưng ban lãnh đạo công ty cho rằng, hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn ổn định và tạo đà cho những năm tiếp theo.

VNF
Tập đoàn Sao Mai đã khánh thành Nhà máy Điện mặt trời Sao Mai giai đoạn I vào giữa năm 2019. Ảnh: Mỹ Xuyên

Bất động sản chuyển động không nhiều, năng lượng gánh nợ

Năm 2019, xuất hiện những khúc mắc trong hoạt động đầu tư góp vốn của Sao Mai. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 cho thấy, các khoản đầu tư của Sao Mai vào công ty con, công ty liên doanh và liên kết không hề có biến động từ ngày 1/1 đến 31/12/2019.

Tuy nhiên, tại báo cáo tình hình quản trị tập đoàn năm 2019, Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư tài chính - một công ty con - lại biến mất khỏi danh sách “người có liên quan” của Sao Mai. Còn trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019, ban Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết, vốn đầu tư tại Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư tài chính là 8,66 tỷ đồng, còn tỷ lệ lợi ích là 53,83%.

Ngoài ra, trong báo cáo tình hình quản trị năm 2019, Công ty Cổ phần Dầu cá châu Á - một công ty liên kết trước đây của Sao Mai - trở thành một trong 11 công ty con của tập đoàn.

Năm 2019, bất động sản đầu tư của Sao Mai biến động không đáng kể, chưa đầy 500 triệu đồng. Các dự án gồm Khu dân cư Hòa Bình, Khu văn phòng và nhà ở cao tầng tại TP. HCM, Khu đô thị Mỹ Tho hầu như “đứng im” do không có biến động chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Chỉ dự án Khu dân cư Cà Mau có chuyển động với chi phí xây dựng cơ bản tăng 15,789 tỷ đồng.

Lĩnh vực xây dựng - bất động sản cũng ghi nhận giao dịch giữa Sao Mai và 2 công ty con - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI và Công ty Cổ phần Du lịch An Giang trong thi công các công trình với tổng giá trị giao dịch 34,7 tỷ đồng.

Điện mặt trời có lẽ là điểm nhấn đáng chú ý nhất trong hoạt động đầu tư của Sao Mai. Giữa năm 2019, tập đoàn này đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Công ty Cổ phần Điện mặt trời EuroPlast Long An bằng việc mua lại 23 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 76,67%.

Ngoài ra, Sao Mai cũng chi hơn 2 tỷ đồng nhập thiết bị và lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời từ công ty con Sao Mai Solar. Còn với dự án Nhà máy Điện mặt trời Sao Mai tại An Giang, tập đoàn này đã tổ chức khánh thành giai đoạn I vào giữa năm 2019 và dự kiến đóng điện giai đoạn II vào cuối năm. Tuy nhiên, chi phí xây dựng cơ bản cả năm 2019 của nhà máy này chỉ tăng 139 triệu đồng.

Tiến sâu vào lĩnh vực điện mặt trời khiến Sao Mai gánh khoản nợ gần 465 tỷ đồng với công ty năng lượng Trung Quốc PowPowerchina Zhongnan Engineering và khoản nợ 81,8 tỷ đồng với công ty năng lượng Ấn Độ Sterling and Wilson Private Limited.

Lợi nhuận giảm sâu

Tổng tài sản năm 2019 tăng 3.649 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả của Sao Mai cũng tăng sát nút là 3.091 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng 2,4 lần, lên 2.709 tỷ đồng.

Đáng nói là, trong cơ cấu nợ năm 2019 của Sao Mai, nợ phải trả người bán ngắn hạn tăng hơn 2 lần, lên 1.401 tỷ đồng. Trong đó, chủ nợ lớn nhất là PowPowerchina Zhongnan Engineering (465 tỷ đồng), theo sau là Công ty Cổ phần Xuất khẩu Thủy hải sản sạch (105 tỷ đồng) và Sterling and Wilson Private Limited (81,8 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ của tập đoàn cũng tăng đáng kể từ 52% năm 2018 lên 59,7% năm 2019.

HĐQT Sao Mai đánh giá, dù sản xuất - kinh doanh năm 2019 còn nhiều khó khăn, nhưng ban Tổng giám đốc đã “chèo lái” Tập đoàn vượt qua những khó khăn, dẫu chưa hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhưng vẫn duy trì ổn định hoạt động, tạo đà cho những năm tiếp theo.

Điểm bất thường là, dù doanh thu và lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2019 đều tăng “bốc đầu” lần lượt là 60,8% và 27,9% so với năm 2018, nhưng tổng lợi nhuận kế toán trước thuế chỉ đạt 867.969 tỷ đồng, giảm 34% so với năm trước đó.

Lợi nhuận sau thuế của Sao Mai năm 2019 cũng “bay hơi” 381 tỷ đồng, chỉ đạt 816 tỷ đồng, giảm 31,8% so với năm 2018. Tác nhân chính khiến lợi nhuận đảo chiều là do thiếu vắng khoản lớn trong lợi nhuận khác giống như năm 2018.

Cụ thể, lợi nhuận khác năm 2018 của Sao Mai đạt mức “khủng” 464,635 tỷ đồng với nguồn đóng góp chính là khoản lãi 429,6 tỷ đồng từ việc đánh giá lại giá trị của khoản đầu tư vào công ty con - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI. Trong khi đó, con số lợi nhuận khác năm 2019 chỉ đạt 61,4 tỷ đồng.

Lợi nhuận lao dốc cũng khiến lãi cơ bản trên cổ phiếu Sao Mai năm 2019 chỉ đạt 2.486 đồng, giảm 42% so với năm 2018.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác