Miễn phạt tiền chậm nộp thuế do thiên tai, hỏa hoạn
Bảo Duy (TH) -
26/11/2017 09:15 (GMT+7)
(VNF) - Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế thực hiện việc miễn phạt tiền chậm nộp thuế đối với người nộp thuế, nếu người nộp thuế đủ điều kiện theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Tổng cục Thuế vừa có văn bản gửi cục thuế các tỉnh hướng dẫn về việc miễn phạt tiền chậm nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ… để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế.
Theo văn bản này, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế thực hiện việc miễn phạt tiền chậm nộp thuế đối với người nộp thuế, nếu người nộp thuế đủ điều kiện theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Cụ thể, nếu người nộp thuế chậm nộp tiền thuế do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ trước ngày 1/7/2013 (ngày Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 có hiệu lực) thì cục thuế các tỉnh, thành phố xử lý miễn phạt tiền chậm nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, hoặc trường hợp bất khả kháng theo quy định của Luật Quản lý thuế số 78/2007/QH11.
Sau thời điểm Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 có hiệu lực thi hành, thì người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế số 21, Luật Quản lý thuế số 71/2014/QH13 và Luật Quản lý thuế số 106/2016/QH13.
Tại khoản 3, điều 3 Luật Quản lý thuế (sửa đổi) số 106/2016/QH13 ngày 6/4/2016 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016) thì "người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp".
Như vậy, những trường hợp chậm nộp thuế sau ngày Luật Quản lý thuế số 106 có hiệu lực, thì không được miễn tiền phạt chậm nộp; cùng với việc nộp số tiền thuế, còn phải nộp tiền phạt chậm nộp (mức 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm nộp).
Về vấn đề nộp thuế chậm, trả lời chất vấn tại Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tính đến nay, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, tiền chậm nộp là 18.061 tỷ đồng, chiếm 24,4%, tăng 0,7% so với 31/12/2016.
Tiền nợ thuế của người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, tự giải thể, phá sản, tự ngừng nghỉ, bỏ địa chỉ kinh doanh là 28.221 tỷ đồng, chiếm 38,2% tổng số tiền nợ thuế, tăng 10,9% so với 31/12/2016.
Đối với nợ thuế không còn khả năng thu hồi, tính đến 31/10/2017, số người nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp không còn khả năng thu hồi, không còn đối tượng thu hồi là 718.383 đối tượng, trong đó: 209.436 doanh nghiệp và 508.947 hộ, cá nhân. "Đây là số đối tượng nộp thuế rất lớn, nhưng vẫn nằm trên sổ nợ thuế, vẫn theo dõi, kiểm tra, đôn đốc", Bộ trưởng cho hay.
Chia sẻ với báo chí, đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, hiện có 13 địa phương có số nợ lớn hơn 5% tổng thu ngân sách do cục thuế quản lý. Cụ thể: Bình Dương; Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thái Bình, Khánh Hòa, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Nội, Quảng Ninh. Một số cục thuế có số nợ thuế lên đến trên 10% so với tổng thu nội địa do cục thuế quản lý, số nợ phát sinh mới (số liệu đến 30/9/2017 so với thời điểm 31/12/2016) có chiều hướng tăng lên.
Nguyên nhân nợ thuế tăng ở một số địa phương do tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán, tài sản đã thế chấp ngân hàng, dẫn đến chưa nộp ngay và nộp kịp thời tiền thuế.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.