Moody's điều chỉnh triển vọng tín nhiệm của Việt Nam: Có đáng lo ngại?

Tuấn Nguyễn - 21/12/2019 11:22 (GMT+7)

Theo các chuyên gia kinh tế, tác động của việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia chưa phải lớn. Tuy nhiên, nó cũng có tác động nhất định nếu Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục vay nợ nước ngoài, vì lãi suất sẽ cao hơn. Như vậy, rõ ràng Việt Nam cần làm tốt hơn việc mà Moody's và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác đã khuyến nghị.

VNF
Việc Việt Nam bị xếp hạng tín nhiệm thấp sẽ ảnh hưởng đến vay nợ quốc tế của nhiều doanh nghiệp và cả Chính phủ. Ảnh: Như Ý

18 ngân hàng lập tức bị hạ triển vọng

Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ, ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm. Đồng thời, Moody’s điều chỉnh triển vọng xuống “Tiêu cực”, kết thúc thời gian đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi hạ bậc kể từ ngày 9/10/2019.

Sau khi hạ triển vọng Việt Nam xuống “Tiêu cực”, Moody’s cũng đã hạ triển vọng của 18 ngân hàng Việt Nam.

Ngày 20/12, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, Moody’s đã khuyến cáo với Việt Nam cách đây 2 tháng về việc có nguy cơ bị hạ triển vọng tín nhiệm. Hơn 2 tháng qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã làm một số việc nhất định để cải thiện. Chẳng hạn, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành chuẩn bị sẵn các nguồn lực tài chính để trả nợ nước ngoài đúng hạn, đầy đủ. Đồng thời, chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô để giảm bớt những rủi ro tài khóa như nợ công, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ.

Tuy nhiên, theo TS Lực, có hai điểm Moody’s thấy Việt Nam chưa khắc phục được. Trước hết, Moody’s chưa thấy được giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nợ nước ngoài, bao gồm cả nợ Chính phủ bảo lãnh. Thứ hai, Moody’s chưa thấy giải pháp để tăng tính minh bạch trong quản lý nợ nước ngoài.

Hệ lụy của việc này, theo TS Cấn Văn Lực, tất cả các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã được Moody’s xếp hạng tín nhiệm vừa qua đều sẽ bị hạ bậc, bao gồm cả hệ thống ngân hàng và các DN. Mới nhất là 18 ngân hàng đã bị hạ triển vọng.

Lý do chính, theo ông Lực, trần xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng tối đa là trần quốc gia. Do đó, khi trần quốc gia bị giảm, đương nhiên các ngân hàng cũng bị giảm chứ không phải hệ thống ngân hàng có vấn đề. “Nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống”, ông Lực bình luận.

“Tác động việc xếp hạng này chưa phải lớn. Tuy nhiên, nó cũng có tác động nhất định nếu Chính phủ Việt Nam và các DN Việt Nam tiếp tục vay nợ nước ngoài, vì lãi suất sẽ cao hơn. Như vậy, rõ ràng Việt Nam cần làm tốt hơn việc Moody’s và các tổ chức tín nhiệm khác đã khuyến nghị”, ông Lực phân tích.

Chính phủ và doanh nghiệp sẽ gặp khó

Bình luận về việc Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam, ông Hồ Bá Tình, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, mức tín nhiệm Ba3 mà Moody’s dành cho Việt Nam có độ rủi ro đáng kể trong dài hạn.

Theo ông Tình, căn cứ để Moody’s xem xét hạ tín nhiệm Việt Nam không phải là các yếu tố kinh tế vĩ mô như trước đây. Trên thực tế, kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian gần đây khá ổn định với việc tăng trưởng GDP quý 3 lên đến 7,31%, tính chung 9 tháng tăng 6,98% mức cao nhất trong 9 năm gần đây. Bên cạnh GDP thì các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của Việt Nam cũng rất tốt. Áp lực về lạm phát được kiểm soát với mức trung bình 2,6% tính tới thời điểm tháng 11, hạ từ mức 3,5% năm 2018 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu “dưới 4%” mà Chính phủ đã đề ra từ đầu năm. Tỷ giá cũng ít biến động.

Đặc biệt, tính đến 15/12/2019, thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam đã đạt hơn 10 tỷ USD. Việt Nam đang có mức dự trữ ngoại hối cao nhất lịch sử, vượt 71 tỷ USD. Do đó khả năng trả nợ bằng ngoại tệ của Việt Nam cũng rất tốt. Như vậy, rõ ràng rủi ro về vĩ mô hoặc thanh khoản của Việt Nam đang ở mức thấp.

Tuy nhiên, theo ông Tình, việc Moody’s xem xét hạ tín nhiệm Việt Nam không phải là không có cơ sở. Theo báo cáo của Chính phủ đến cuối năm 2018, tổng giá trị các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh lên tới 27,7 tỷ USD, trong đó 23,6 tỷ USD vốn vay nước ngoài. Đây là con số lớn hơn tổng trả nợ Chính phủ trong năm 2018.

Báo cáo trước đó của Moody’s cũng cho biết, nhiều dự án được Chính phủ bảo lãnh do khó khăn về tài chính đã không có khả năng trả nợ, đang phải thanh lý tài sản để thu hồi vốn hoặc phải tái cơ cấu do nợ quá hạn cao. Trong đó, nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh tập trung chủ yếu cho đầu tư vào ngành điện tại một số tập đoàn lớn thuộc lĩnh vực điện, dầu khí, than khoáng sản và cả hàng không.

Hiện nay, nhiều dự án vay nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh khả năng trả nợ rất khó khăn. Các dự án phải kể đến như Nhà máy Giấy Phương Nam, Dự án BT Đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, dự án Xi măng Thái Nguyên, Xi măng Đồng Bành, Xi măng Hạ Long. Chính phủ đã phải trích hàng trăm triệu USD từ Quỹ Tích lũy trả nợ để trả nợ thay cho các dự án này.

Theo ông Tình, việc hạ mức tín nhiệm chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí vốn của doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam khi vay vốn. Quốc gia có mức tín nhiệm càng thấp thì nhà đầu tư sẽ yêu cầu lãi suất khi đầu tư càng cao để bù lại rủi ro đó.

Cũng trong ngày 20/12, trả lời câu hỏi về quan điểm của Kho bạc Nhà nước (KBNN) đối với vấn đề này, ông Trịnh Văn Khoa, Cục phó Cục Quản lý ngân quỹ (thuộc KBNN) cho rằng, không nên quá lo ngại, vì tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và triển vọng 2020 vẫn rất lạc quan; tình hình tài chính, tiền tệ lành mạnh. “Thực tế này cũng sẽ không tác động đến phát hành trái phiếu chính phủ.”, ông Khoa nói.

“Với mức tín nhiệm là Ba3 hiện nay thì mức bù rủi ro quốc gia của Việt Nam đối với trái phiếu hay các khoản cho vay đối với Chính phủ hoặc doanh nghiệp là 3 điểm phần trăm. Nói cách khác, nếu Chính phủ Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế thì lãi suất trái phiếu bằng đồng USD bị nhà đầu tư yêu cầu cao hơn so với lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ (cùng kỳ hạn) là 3 điểm phần trăm. Khi Moody’s hạ mức tín nhiệm của Việt Nam 1 bậc, thì lãi suất yêu cầu sẽ tăng thêm 0,5 điểm phần trăm. Ðiều này đồng nghĩa với chi phí huy động vốn của doanh nghiệp ở Việt Nam và Chính phủ sẽ tăng tương ứng”.

Ông Hồ Bá Tình, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Theo Tiền phong
Cùng chuyên mục
Tin khác