Mục tiêu tăng trưởng 6,5% GDP vào 2024: Động lực nào trong lúc khó khăn?

Kỳ Thư - 29/11/2023 11:50 (GMT+7)

(VNF) - TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), nhận định việc đảm bảo cho tăng trưởng 2024 đạt 6,5% là rất thách thức. Ông cho rằng xuất khẩu đang bị ảnh hưởng tiêu cực, các khó khăn vẫn còn rất lớn, khả năng duy trì hoặc bứt phá của các động lực bên trong cũng chưa rõ ràng

VNF
Mục tiêu tăng trưởng 6,5% GDP vào 2024: Động lực nào trong lúc khó khăn?

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã chính thức được Quốc hội quyết nghị. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD/người. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% - 24,2%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% - 5,3%...

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay việc đạt mục tiêu tăng trưởng trên được nhiều người đánh giá là không khả quan. Vậy làm thế nào để tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất? Tạp chí Đầu tư Tài chính đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) về vấn đề này.

- Liệu những chỉ tiêu như ở trên có cao quá không, thưa TS. Nguyễn Quốc Việt?

Trong chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội có những chỉ tiêu đặt ra ở mức ngang bằng với năm 2023, ngoài những chỉ tiêu có thể đạt và vượt như năm 2023, thì tôi quan tâm nhất chi tiêu tăng trưởng 6-6,5 %, vì trong bối cảnh chỉ tiêu này năm 2023 đã không thể đạt được, do những khó khăn kinh tế thế giới và trong nước.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR).

Có thể thấy với những bất ổn toàn cầu gia tăng, nhiều tổ chức quốc tế vẫn dự báo bi quan về tình hình kinh tế thế giới năm 2024, Việt Nam với nền kinh tế có độ mở cao, nên động lực tăng trưởng là xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng khá tiêu cực bởi sự suy giảm cầu trên thế giới, ngoài ra mặc dù có những tín hiệu tích cực hơn từ đầu tư công hoặc khôi phục kinh doanh trong nước, nhưng các khó khăn vẫn còn rất lớn, khả năng duy trì hoặc bứt phá của các động lực bên trong cũng chưa rõ ràng cho năm 2024.

Bên cạnh đó tôi cũng quan tâm các chỉ tiêu mà năm 2023 đã không đạt và năm 2024 lại bị đặt xuống thấp hơn kế hoạch 2023 là tăng năng suất lao động và tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP. Cả hai chỉ tiêu này là nền tảng để tạo động lực tăng trưởng cả ngắn và dài hạn, với các chỉ tiêu này bị hạ xuống của năm 2024, khả năng hoàn thành kế hoạch cho 2 chỉ tiêu này, lẫn chi tiêu tăng trưởng GDP cho cả giai đoạn 2021-2025 là rất khó khăn.

-Còn ít ngày nữa là hết năm 2023, theo ông liệu GDP năm nay có khả năng cao hơn 5% không?

Chính phủ vẫn rất nỗ lực và cố gắng để đạt được tăng trưởng GDP năm 2023 trên 5%, các nỗ lực này có thể kỳ vọng đạt được khi khối lượng giải ngân đầu tư công đang tốt dần lên, các lan tỏa từ đầu tư công bắt đầu rõ rệt dần ở một số ngành/lĩnh vực liên quan.

Mặt khác do yếu tố thời vụ, các đơn hàng xuất khẩu cũng được đẩy nhiều hơn vào dịp cuối năm lẫn cầu tiêu dùng trong nước được kích hoạt dịp cận lễ tết nguyên đán, với những yếu tố đó thì hy vọng có thể năm 2023 về đích tăng trưởng tiệm cận đích 5,5% mà VEPR dự báo trong giai đoạn giữa năm.

Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị, xung đột mới nổi, các yếu tố không thuận lợi về thiên tai lũ lụt có thể là những rủi ro kéo giảm nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên của Chính phủ trong năm 2023.

Về mục tiêu tăng GDP 6-6,5 % thì như tôi đã phân tích ở trên, trong bối cảnh dự báo kinh tế thế giới còn u ám thì đây là một kế hoạch cần phấn đấu, tuy nhiên nó cũng có cơ sở từ các tiến bộ của các động lực tăng trưởng trong nước và sự thành công duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra với nỗ lực ngoại giao xuất sắc dịp cuối năm 2023, kỳ vọng sẽ có những đột phá mới trong kinh tế đối ngoaị, nhất là thu hút đầu tư quốc tế trong năm 2024 và nhờ đó hỗ trợ môi trường kinh doanh và tăng trưởng trong năm 2024.

-Ông đã từng có những đề xuất rất xác đáng về giảm thuế phí để hỗ trợ phục hồi trong năm 2022, 2023. Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 tiếp tục nhấn mạnh phải nghiên cứu tiếp tục giảm, giãn hoãn thuế phí, lệ phí... Theo ông, năm 2024 cần duy trì chính sách gì, bổ sung/mở rộng chính sách gì?

Các chính sách hỗ trợ tổng cầu là rất quan trọng trong giai đoạn kinh tế có nhiều biến động và nguy cơ suy giảm. Tôi cho rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn là rất cần thiết lúc này, nên tiếp tục các chính sách hỗ trợ thuế, phí (giãn/hoãn/miễn) một số khoản thuế-phí cho doanh nghiệp.

Để phục hồi cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong nước, chính sách giảm 2% thuế VAT nên được ra Nghị quyết kéo dài đến hết năm 2024 và cần công bố rộng rãi, công khai, đi kèm với đó là đẩy mạnh sự minh bạch hóa đầu vào – đầu ra của doanh nghiệp-hộ kinh doanh, nhằm tác động của chính sách này thực sự tới được từng hộ gia đình. Bên cạnh đó cần cải cách chính sách hoàn thuế VAT để thực sự hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ và phòng/chống việc trốn/tránh/gian lận thuế.

Chính phủ vẫn rất nỗ lực và cố gắng để đạt được tăng trưởng GDP 2023 trên 5%.

- Trong thời gian qua, mặc dù chính sách tài khoá được đánh giá là đã phát huy hiệu quả trong phối hợp với chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc và hỗ trợ kinh tế phục hồi và phát triển, tuy nhiên vẫn còn nhiều dư địa. Theo ông chính sách tài khoá trong năm 2024 cần chú trọng những gì?

Trước tiên là đầu tư công phải đảm bảo chi đúng, trúng và đủ cho các dự án trọng điểm. Việc giải ngân các nguồn vốn chi tiêu công nói chung, đầu tư công nói riêng đúng tiến độ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thậm chí quyết định hiệu quả động lực đầu tư công cho tăng trưởng GDP trong năm 2024.

Chính sách thuế/phí cũng cần dựa trên tình hình thực tế, theo tôi, trong bối cảnh cần duy trì chính sách tài khóa mở rộng, cố gắng thực hiện tiếp các chính sách miễn/hoãn/giãn/giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp như hiện nay, thì cũng ko nên có động thái tăng hoặc bổ sung một số loại thuế/phí mới mà một số bộ ngành đang rậm rịch chuẩn bị trong năm 2024, cần nhất lúc này là “khoan/thư” sức dân, và không nên trống đánh xuôi, kèn thối ngược, gây xáo trộn môi trường kinh doanh vốn đã không có nhiều thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và hộ gia đình.

Một số chính sach đảm bảo an sinh, duy trì sinh kế cho người lao động, người dễ bị tổn thương trong giai đoạn kinh tế khó khăn cần được tính đến trong giai đoạn này, tránh để có những trường hợp rơi vào bước đường cùng, vừa gây xáo động xã hội, vừa nguy cơ tạo ra bất ổn về an ninh trật tự và an toàn xã hội.

-Theo ông, kinh tế 2024 dựa vào những động lực nào để hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao? Cùng với đó, cũng có ý kiến cho rằng việc Quốc hội tạm dừng thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) cũng sẽ khiến những động lực tăng trưởng từ đất chậm lại làm giảm quá trình tăng trưởng GDP. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Thể chế nên được coi là động lực trực tiếp cho tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay, vì thế cải cách thể chế sẽ là điều kiện tiên quyết để khơi thông tất cả các điểm nghẽn của các động lực tăng trưởng khác từ đầu tư công, phát triển doanh nghiệp lẫn thúc đẩy tham gia vào dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế.

Cải cách thể chế còn có ý nghĩa quyết định nhằm tăng cường chất lượng quản trị công, phòng chống tham nhũng, tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, qua đó đảm bảo hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, qua đó giúp tạo nền tảng cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững.

Cải cách thể chế cũng là cơ sở để phát huy các động lực tăng trưởng mới bền vững và công bằng hơn như các mô hình tăng trưởng xanh, dựa trên đổi mới, sáng tạo và kinh tế số.

Với bối cảnh đó tôi kỳ vọng trong phiên họp tiếp theo, các đạo luật được kỳ vọng kế hoạch thông qua lần này sẽ được các Đại biểu Quốc hội thảo luận rất cụ thể, chốt từng chính sách quan trọng, thống nhất cao để thông qua, còn trong trường hợp dự thảo luật nào chưa thể kịp thông qua, cũng là sự đáng tiếc, nhưng tôi kỳ vọng dự thảo đó cũng phải được thảo luận và thông qua các nguyên tắc chính sách cơ bản, phần còn lại chỉ là kỹ thuật lập pháp, để đến kỳ họp tiếp theo phải được thông qua.

- Xin cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.