PGS.TS Trần Đình Thiên: 'Đừng chăm chăm vào mục tiêu tăng trưởng'

Huyền Trang - 25/11/2023 21:20 (GMT+7)

(VNF) - PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng không nên chăm chăm vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhiệm vụ quan trọng hơn cả tăng trưởng lúc này là hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.

VNF
PGS.TS Trần Đình Thiên

Cập nhật về các kịch bản cho tăng trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 kịch bản. Ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0%. Ở kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%. Ở kịch bản 3, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.

Đầu tư Tài chính đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để đánh giá về các kịch bản trên, đồng thời nhìn sâu hơn vào việc hiện thực hoá các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Tháo bỏ những nút thắt

- Theo quan điểm của ông, trong 3 kịch bản trên thì kinh tế Việt Nam từ nay tới cuối năm sẽ thiên về kịch bản nào?

Nếu tính đủ mọi khả năng và tính tối ưu trong phát triển, tôi chọn kịch bản thấp nhất bởi chúng ta còn nhiều việc cần phải làm chứ không chỉ riêng việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Ngay cả khi chọn kịch bản thấp nhất thì mọi thứ vẫn trong giả định quý sau tăng cao hơn quý trước. Nếu nền kinh tế có diễn biến nào đó bất ngờ ngoài khả năng dự liệu thì có thể tăng trưởng còn khó đạt được theo kịch bản này.

- Liệu điều này có quá bi quan không, thưa ông?

Tôi muốn nhấn mạnh một số vấn đề. Đầu tiên, hiện tại bối cảnh thế giới và khu vực đang bộc lộ nhiều vấn đề khó ngoài tầm kiểm soát và không dự báo được. Kinh tế thế giới dự kiến tiếp tục đà suy giảm và ảnh hưởng tới Việt Nam. Đáng nói, nền kinh tế thế giới cũng chưa cho thấy những dấu hiệu của sự phục hồi nên khó khăn sẽ càng lớn hơn khi chúng ta muốn đi ngược chiều thế giới trong tăng trưởng.

Quay trở lại với nền kinh tế Việt Nam, nhìn vào các động lực tăng trưởng, xuất khẩu của Việt Nam rõ ràng là chưa bao giờ giảm sâu và kéo dài như bây giờ, dù một số ngành đã có khởi sắc nhưng đến giờ vẫn suy giảm 4,2% so với năm ngoái.

Hiện tại, tình hình có cải thiện nhưng tốc độ và quy mô chưa ổn định, không đồng đều và cũng chưa thể bứt phá lên so với trước. Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn bên ngoài, đặc biệt là khách hàng châu Âu suy giảm nhiều so với trước, Trung Quốc cũng tương tự…

Không kiểm soát được các yếu tố bên ngoài nên chúng ta phải thích nghi, tận dụng cơ hội thị trường dù là mong manh, sơ khởi nhưng sang năm kỳ vọng sẽ tốt hơn. Đây là thực tế không thể phủ nhận.

Về tiêu dùng, dù được xem là cứu cánh của động lực tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khi người dân vẫn đang trong giai đoạn thắt chặt chi tiêu. Trong tiêu dùng, bán lẻ là chủ yếu nhưng lại đang có xu hướng suy giảm.

Mấy tháng đầu năm nay, bán lẻ tăng trưởng 15-17% nhưng gần đây chỉ còn tăng 11-12% và giờ đà tăng trưởng đang tiếp tục suy giảm, cho thấy nếu đây là động lực thì động lực này còn đang yếu. Do đó, cần phải làm gì để cải thiện “động cơ” để chạy nhanh hơn chứ không phải chỉ đưa ra các chính sách “cứu cánh” để bằng lòng…

Trong khi đó, đầu tư FDI đang tiếp tục lấn lướt khu vực trong nước. Hiện doanh nghiệp FDI chiếm tới 75% kim ngạch xuất khẩu, hơn 50% giá trị công nghiệp. Nếu ngành bán lẻ họ cũng “lấn sân” nữa thì cần phải suy nghĩ xem ai mới là người thực sự làm chủ cuộc chơi và tạo ra tăng trưởng cho Việt Nam.

- Như vậy là động lực cho tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm kéo dài?

Đúng là như vậy, động lực tăng trưởng của nền kinh tế có xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài. Quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam đang chứa đựng nghịch lý. Trong đó, doanh nghiệp được cho là giỏi chống chịu và sống dai nhưng lại chậm lớn và khó trưởng thành; nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn; tăng trưởng GDP cao song lạm phát thấp; lạm phát thấp nhưng người dân và doanh nghiệp lại phải đi vay với mức lãi suất cao...

Cùng với đ ó, chỉ số PMI quản trị mua hàng cũng cho thấy nền kinh tế còn nhiều khó khăn. PMI tháng 10 tiếp tục dưới ngưỡng 50 điểm, đơn đặt hàng mới tăng yếu. Nguyên nhân dẫn đến những nghịch lý trên là do nền kinh tế ở trong tình trạng ách tắc các nguồn lực, khiến chúng không thể chuyển hóa thành động lực phát triển, dẫn đến “cơ thể” của nền kinh tế bị suy yếu, tổn thương và bất ổn.

Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin-cho” và “hành chính”, cần ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường. Đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (có tính cạnh tranh). Các thị trường “đầu vào” càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao.

Để làm được điều này, Nhà nước cần đảm bảo hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng và vận hành thông minh, trong đó trực tiếp giải quyết những vấn đề căn cốt đang đặt ra cho cho nền kinh tế Việt Nam ở khía cạnh tạo động lực và giải phóng năng lực phát triển.

Thời gian gần đây, bên cạnh việc nỗ lực chỉnh sửa - tháo gỡ - thay đổi những trói buộc và cản trở của hệ thống cơ chế, chính sách hiện hành, Đảng và Nhà nước đang rất tích cực nhận diện, định hình “chân dung mới” của nền kinh tế theo nguyên tắc hướng tới tương lai, định hướng xây dựng các nguồn lực và động lực phát triển mới.

Cách lựa chọn đường lối này là đúng đắn và cần phải coi đây là cách thức chủ đạo để xây dựng và phát triển năng lực quốc gia. Việc Chính phủ đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26 là một minh chứng điển hình cho tầm nhìn và cách tiếp cận phát triển mới của Việt Nam, đi sau những nỗ lực vượt lên tiến kịp thế giới, tiến cùng thời đại.

Tựu trung, tôi cho rằng chúng ta không nên quá cố cho tăng trưởng bởi chúng ta còn nhiều việc khác phải làm, không nên chăm chăm vào giữ mục tiêu tăng trưởng.

- Vì sao chúng ta không nên quá cố cho tăng trưởng, thưa ông?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, cả nước có hơn 15,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 21,7% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Song song với đó, cả nước có 5,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Ở chiều ngược lại, có 5.501 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,4% và tăng 35,6%; có 4.898 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 7,1% và tăng 16,6%; có 1.501 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,2% và giảm 6,3%.

Tính chung 10 tháng năm 2023, cả nước có 183,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 18,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 146,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 14,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Mặc dù số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh và lớn hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là thật, họ chắc chắn sẽ không đóng góp cho tăng trưởng nữa. Còn số doanh nghiệp mới thành lập thì họ cũng không thể đóng góp ngay cho tăng trưởng được mà phải chờ thời gian mới có thể đi vào hoạt động ổn định và tạo ra tăng trưởng.

Cùng với đó, quan sát nền kinh tế, tôi cũng nhận ra rằng hoạt động của hộ kinh doanh cũng đang đìu hiu hơn. Trong khi đó, hộ kinh doanh lại đóng góp lớn vào tăng trưởng nên nền kinh tế sẽ khó chồng thêm khó.

Do đó, nhiệm vụ quan trọng hơn cả tăng trưởng lúc này là hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Còn về tăng trưởng, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng khó có đột phá trong tăng trưởng cuối năm nay.

Khi đưa ra các kịch bản điều hành, Chính phủ một lần nữa đã chọn kịch bản tăng trưởng ở cao nhất. Ông nhìn nhận như thế nào về điều này?

Với việc Chính phủ lựa chọn kịch bản cao nhất để điều hành, tôi cho rằng đây không phải là điều gì quá ngạc nhiên bởi dù nền kinh tế còn khó khăn nhưng trong kinh tế, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Bên cạnh việc lường trước các khó khăn thì các cơ hội bất ngờ cũng có thể xuất hiện.

Do đó, việc Chính phủ lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao nhất để điều hành cũng là để đón các cơ hội đột phá có thể tới, dù cơ hội đó rất mong manh. Nhưng bối cảnh khó khăn này buộc chúng ta phải chuẩn bị tâm lý cũng như các hành động cụ thể để có thể tận dụng mọi cơ hội, dù đó chỉ là tia hi vọng nhỏ.

Khơi thông các nguồn lực

- Vậy, cần làm thế nào để tăng trưởng ở mức cao nhất có thể?

Phải khơi thông các nguồn lực, đây là vấn đề quan trọng nhất bởi các nguồn lực hiện nay đang gặp nhiều trở ngại. Ví dụ, vấn đề tăng trưởng tín dụng vừa qua cho thấy nguồn vốn của doanh nghiệp bị suy giảm. Với thị trường vốn nói chung, dù đã có nhiều chính sách khơi thông nhưng niềm tin với thị trường chứng khoán và với trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được phục hồi. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó trong sản xuất kinh doanh bởi họ vẫn đang rất khó khăn trong huy động vốn.

Tiếp đó, với thị trường đất đai, các rào cản vẫn còn, tình trạng doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là vấn đề nổi cộm đáng chú ý. Với môi trường kinh doanh, vẫn còn các quy định chồng chéo khiến doanh nghiệp gặp khó khi không biết phải tuân theo quy định nào.

Tựu trung, muốn doanh nghiệp yên tâm kinh doanh và nền kinh tế mau chóng ổn định trở lại thì việc khơi thông các nguồn lực là bắt buộc phải làm, dù rất khó khăn. Và cuối cùng, phải hoá giải tâm lý sợ sai của cán bộ. Hãy hoá giải bằng cách hạn chế tối đa các chồng chéo trong chính sách để họ yên tâm trong làm việc và ra quyết sách.

- Bức tranh nền kinh tế thời gian tới sẽ lấy gì làm động lực tăng trưởng, thưa ông?

Trong bức tranh nền kinh tế hiện tại, việc chậm giải ngân đầu tư công là do cơ chế, chính sách, luật pháp chứ không phải nằm ở chỉ một vài bộ, ngành, lĩnh vực hoặc do cá nhân cụ thể. Muốn gỡ được phải gỡ từ hệ thống, rất lâu, tốn kém nhưng không thể không làm.

Tăng trưởng kinh tế đang tốt theo hướng dù không có đột phá nhưng quý sau tăng cao hơn quý trước nhưng đầu tư công giảm, cho thấy nền kinh tế đã có bệ đỡ khác như FDI hay kinh tế tư nhân.

Phải khẳng định kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng. Đó là sự thật và chúng ta phải tháo gỡ rào cản để doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Bên cạnh đó, nếu giải ngân đầu tư công tốt, giả định các điều kiện khác bình thường thì GDP tăng trưởng không chỉ 7,08% như năm vừa qua.

Cơ hội mất đi sẽ không lấy lại được, tư nhân và Nhà nước nếu hợp lực thì cơ hội cho nền kinh tế sẽ lớn hơn nhiều.

- Xin cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.