Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước hạt nhân cuối cùng giữa 2 nước

Linh Anh - 01/02/2023 12:45 (GMT+7)

(VNF) - Hôm thứ Ba (31/1), Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước hạt nhân New START mới, "trụ cột" chính cuối cùng của việc kiểm soát vũ khí hạt nhân sau Chiến tranh Lạnh giữa hai nước, nói rằng Moscow từ chối cho phép các hoạt động thanh tra trên lãnh thổ của mình.

VNF
Mỹ cáo buộc Nga không tuân thủ theo các điều khoản của Hiệp ước hạt nhân New START.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 23/12, Nga đang vi phạm thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân quan trọng với Mỹ và tiếp tục từ chối cho phép thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này.

“Nga không tuân thủ nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước New START để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thanh tra trên lãnh thổ của mình. Việc Nga từ chối tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thanh tra ngăn cản Mỹ thực hiện các quyền quan trọng theo hiệp ước và đe dọa khả năng kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga”, người phát ngôn Mỹ cho biết.

Đại diện Washington sau đó nói thêm: “Nga cũng đã không tuân thủ nghĩa vụ của Hiệp ước New START về việc triệu tập một phiên họp của Ủy ban tư vấn song phương theo thời gian quy định của hiệp ước”.

Tuyên bố của Mỹ nhiều khả năng sẽ làm gia tăng căng thẳng với quan hệ giữa hai nước vốn đang trong tình trạng ảm đạm khi Moscow tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine, nhất là khi "thanh kiếm hạt nhân" của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nhiều tháng nay vốn đã là thứ vũ khí khiến Mỹ và các đồng minh phải nhiều lần lên tiếng cảnh báo.

Được biết, hồi tháng 12/2022, Tổng thống Putin đã cảnh báo về mối đe dọa chiến tranh hạt nhân “ngày càng tăng”, và trong tháng này, ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cũng từng nói rằng việc Nga thất bại trong chiến dịch tại Ukraine có thể “kích động bùng nổ chiến tranh hạt nhân”.

Theo hiệp ước New START, thỏa thuận duy nhất còn lại quy định hai quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, Washington và Moscow được phép tiến hành thanh tra các cơ sở vũ khí của nhau, nhưng do đại dịch Covid-19, các cuộc thanh tra đã bị tạm dừng từ năm 2020.

Một phiên họp của Ủy ban Tư vấn Song phương về hiệp ước dự kiến ​​sẽ họp ở Ai Cập vào cuối tháng 11/2022 nhưng đột ngột bị hủy bỏ. Mỹ đã đổ lỗi cho Nga về sự trì hoãn này, với một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói rằng quyết định này được đưa ra "đơn phương" bởi Nga.

Hiệp ước đặt ra giới hạn về số lượng vũ khí hạt nhân tầm xa được triển khai mà cả Mỹ và Nga có thể sở hữu. Có hiệu lực từ năm 2011, lần cuối cùng hiệp ước được gia hạn là vào đầu năm 2021, gia hạn 5 năm, nghĩa là hai bên sẽ sớm cần bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Nga hoàn toàn có thể tiếp tục tuân thủ hiệp ước New START bằng cách cho phép Mỹ thực hiện các hoạt động thanh tra trên lãnh thổ như đã làm trong nhiều năm qua, cũng như lên lịch cho một cuộc họp song phương mới.

Theo Trung tâm kiểm soát và không phổ biến vũ khí, Nga có khoảng 5.977 đầu đạn hạt nhân, 1.588 trong số đó đã được triển khai. Mỹ có 5.550 đầu đạn hạt nhân, bao gồm 3.800 đầu đạn đang hoạt động.

Trước khi Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước New START, hôm 30/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã cho biết hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân song phương với Mỹ có thể hết hạn sau ba năm mà không có sự thay thế.

Khi được hỏi liệu Moscow có thể hình dung việc không có thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai quốc gia khi việc gia hạn Hiệp ước New START kết thúc sau năm 2026 hay không, ông Ryabkov nói với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti: “Đây là kịch bản rất có thể sẽ xảy ra".

Xem thêm >> Mỹ và đồng minh áp đặt 2 mức giá trần riêng biệt đối với dầu mỏ Nga

Theo CNN
Cùng chuyên mục
Tin khác